Trong Thuỷ hử mô tả Lư Tuấn Nghĩa là người thành Hà Bắc (liệt vào hàng Tam kiệt Hà Bắc). Lư Tuấn Nghĩa mình cao chín thước, mắt sáng như sao, tướng mạo tựa thần. Lư Tuấn Nghĩa là dòng dõi danh gia vọng tộc. Lư Tuấn Nghĩa là một trưởng giả bậc nhất Bắc Kinh với mạng lưới kinh doanh phủ khắp kinh thành (dưới quyền bốn năm mươi người hành tài quản cán). Họ Lư cũng là tay rộng lượng, tốt bụng (nhặt Yến Thanh về nuôi coi như con đẻ, giúp Lý Cố lúc cơ hàn sau giao cho quản lý việc kinh doanh). Ngọc Kỳ Lân võ nghệ đúng là không hổ danh Tam kiệt Bắc Hà, xa luân chiến cả ngày với hơn chục đầu lĩnh Lương Sơn Bạc mà không biết mệt.
Chính vì giàu có siêu hạng nên Lư Tuấn Nghĩa là mục tiêu số 1 mà nghĩa quân Lương Sơn Bạc muốn chào mời. Tống Giang sai quân sư Ngô Dụng đi thuyết hàng, Tuấn Nghĩa trúng kế, lên Lương Sơn Bạc bị bắt trói, Tuấn Nghĩa chưa muốn hàng nên nhất quyết đòi về, dù mưu trí Ngô Dụng xuất sắc đến đâu cũng vẫn thất bại trong việc chiêu nạp vị Lư viên ngoại này.
Lư Tuấn Nghĩa quan niệm, mình sinh ra trong gia tộc bao đời chịu ơn tiên đế, những gì Nghĩa có được đều do bổng lộc từ triều đình mà ra. Vì vậy ông không chịu bỏ hết cơ nghiệp mà lên núi làm giặc cướp.
Tuy nhiên, khi về nhà thì đã bị vợ và một gã nô gia là Lý Cố (một kẻ gia nhân có xuất thân hèn kém rất nhiều so với Lư Tuấn Nghĩa) phản bội, vu oan cho Lư Tuấn Nghĩa khiến ông bị quân triều đình bắt. Lư Tuấn Nghĩa bị phạt đi đày, Tống Giang bèn sai Sài Tiến hối lộ hai viên công sai là Sái Phúc, Sái Khánh hãy giữ tính mạng của hai người. Về sau Lư Tuấn Nghĩa được người của Lương Sơn cứu, ông trở về giết chết Cổ Thị và Lý Cố rồi lên Lương Sơn Bạc luôn.
Trong vụ ngoại tình của vợ Lư Tuấn Nghĩa với Lý Cố, Thi Nại Am không miêu tả rõ đâu là lý do nhưng nếu chịu khó tổng hợp lại những dữ kiện xuyên suốt về nhân vật chúng ta có thể thấy, nhân vật này rất ham mê thao luyện võ thuật, binh pháp.
Sự say mê (có thể quá độ) này đã khiến Lư Tuấn Nghĩa bỏ bê vợ con. Có thể chính vì điều này mà người đàn bà này bao năm sống bên Lư Tuấn Nghĩa hưởng đủ mọi vinh hoa phú quý nhưng đến phút cuối có thể gật đầu ưng thuận một kẻ hèn kém hơn chồng mình rất nhiều.
Đây được nhiều nhận xét là vụ ngoại tình gây đau đớn, ám ảnh nhất trong Thủy hử. Nếu đặt chuyện Cổ Thị tư thông với tâm phúc của chồng là Lý Cố bên cạnh những vụ ngoại tình “kinh điển” trước đó của Thủy hử chúng ta sẽ thấy. Nếu như Phan Kim Liên tư tình với Tây Môn Khánh, khi bị Võ Đại phát hiện thì cùng Vương Bà hạ độc giết chồng; nếu như Phan Xảo Vân hú hí bao lần với sư Bùi Như Hải sau lại đặt điều vu oan cho huynh đệ tốt của chồng – Thạch Tú; nếu như Diêm Bà Tích từ chỗ được Tống Giang giúp đỡ, cưới làm thiếp, chu cấp tiền bạc lại ngang nhiên qua lại với đồng nghiệp của họ Tống rồi dùng bức thư của Tiều Cái ép Tống Giang đủ đường; thì Cổ Thị hiện ra với hình ảnh của một “nạn nhân” hơn là “ác nhân” trong các sự kiện liên quan đến Lư Tuấn Nghĩa.
Quốc Tiệp (t/h)