Theo báo cáo của UBND huyện Cái Nước, qua tra cứu hồ sơ, xác minh thực tế cho thấy, không có sự nhầm lẫn của người đi khai đăng ký hộ khẩu cho công dân Lâm Thị Mỹ Châu (35 tuổi, ngụ xã Phú Hưng, huyện Cái Nước).
Về việc cấp giấy khai sinh cho công dân Lâm Thị Mỹ Châu là đầy đủ, đúng quy định, chưa có phát hiện sai sót hay nhầm lẫn của công chức Tư pháp - Hộ tịch.
“Đây là trường hợp cấp giấy khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của bộ Tư pháp. Do đó, nhận thấy không có cơ sở cải chính hộ tịch vì không chứng minh được sự nhầm lẫn hay sai sót”, UBND huyện Cái Nước viện dẫn.
Như vậy, đối chiếu với những quy định hiện hành thì việc yêu cầu xin cải chính của công dân Lâm Thị Mỹ Châu không thuộc trường hợp cải chính theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ.
Do đó, UBND huyện Cái Nước cho rằng, yêu cầu cải chính của công dân Lâm Thị Mỹ Châu là không có cơ sở giải quyết.
Như báo Người Đưa Tin đã đưa, trước đó, dư luận tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm câu chuyện người đàn ông có vợ hơn 4 năm mang tên “Lâm Thị Mỹ Châu” và giới tính “nữ” đến cơ quan chức năng xin cải chính lại tên và giới tính nhưng bị cơ quan chức năng “làm khó”.
Vụ việc xảy ra vào đầu tháng 3/2018. Ông Châu được người cháu đưa đến bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của huyện Cái Nước để làm thủ tục cải chính lại hộ tịch. Trong giấy khai sinh, hộ khẩu,… của ông Châu ghi giới tính “nữ”, nên ông đề nghị xin chuyển lại cho đúng giới tính “nam”.
Khi ông Châu đến bộ phận một cửa của huyện thì cán bộ bảo lên trung tâm Pháp y tỉnh Cà Mau. Tại đây, cơ sở pháp y nói nếu là “nam” chuyển sang “nữ” thì trung tâm sẽ làm, còn chỉ cải chính sai giấy tờ thì cơ sở này không đủ thủ tục để làm. Sau đó, ông Châu lại về huyện thì cán bộ yêu cầu phải đi lên TP.HCM để… xác định giới tính.
Do bản thân không biết chữ, giấy tờ chỉ lăn tay thay chữ ký, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, ai thuê gì làm đó nên suốt 35 năm qua không có việc gì cần đến giấy tờ, ông Châu không quan tâm đến chuyện mình mang giới tính “nữ” hay “nam”. Tuy nhiên, ông Châu muốn làm giấy đăng ký kết hôn lại gặp khó.
Người nhà ông Châu không đồng ý và cho rằng, cán bộ trực bộ phận một cửa đã đặt thêm ngoài quy định của thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người dân, nên đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ.
Theo luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư TP.HCM, trường hợp công dân Lâm Thị Mỹ Châu thực chất là giới tính “nam” nhưng tên họ là nữ do có chữ lót “thị” và thông tin hộ tịch ghi giới tính “nữ”, chỉ là trường hợp do nhầm lẫn trong quá trình đăng ký hộ tịch. Việc nhầm lẫn này nếu không phải công chức tư pháp gây ra thì cũng do người khai ghi nhầm. Ở một số vùng quê, xảy ra không ít tờ khai hộ tịch ghi nhầm do người đi khai nhờ người khác ghi nhưng đọc không rõ, hoặc nhắn lại mà không trực tiếp gặp người ghi giúp, người đi khai giúp…
Khoản 2, Điều 7, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ nêu, cải chính hộ tịch theo quy định của luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
"Đây chính là trường hợp lỗi của người yêu cầu đăng ký hộ tịch nên cơ quan có thẩm quyền là UBND huyện phải thực hiện cải chính theo nguyện vọng chính đáng của người dân. Việc cơ quan Nhà nước trả lời không cho cải chính là vô trách nhiệm với công dân, cũng đồng thời xâm phạm đến quyền cải chính hộ tịch của công dân được quy định tại Điều 6, luật Hộ tịch năm 2014", luật sư Dũng cho biết.