Liên quan đến vụ án Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng) để điều tra về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi, mới đây Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết vừa tiếp nhận đơn của vợ bị can Nguyễn Hữu Linh là bà Trần Thị Thanh Tân (sinh năm 1964, ngụ tại địa chỉ số 30 Lê Lợi, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) tố cáo bị nhiều cá nhân, tổ chức xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà và những người thân.
Trong tâm thư đau đớn, bà Tân viết: "Chồng tôi là Nguyễn Hữu Linh đang bị điều tra về hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi, do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 4 TP.HCM thụ lý. Việc chồng tôi làm sai đến đâu, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đó theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bản thân tôi, con tôi trong suốt thời gian vừa qua có tội tình gì mà phải chịu đựng những hành vi xử sự không đúng pháp luật của rất nhiều cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình tôi. Họ, rất nhiều các cá nhân, tổ chức đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín đối với tôi và những người thân của tôi.
Họ đã bêu riếu, xúc phạm tại nhà riêng của tôi như: Xịt sơn, ném chất bẩn vào nhà, đăng những hình ảnh của tôi, con tôi, người thân và bạn bè của tôi kèm theo lời lẽ xúc phạm trên những phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội”.
Bà Trần Thị Thanh Tân bày tỏ: “Bản thân tôi, những người thân trong gia đình không dám đi ra đường, hiện tại có nhà nhưng không dám về. Cuộc sống của gia đình tôi đảo lộn hoàn toàn, sức khỏe, tinh thần phải chịu đựng quá kinh khủng, không biết đến khi nào mới ổn định được”…
Dưới góc độ pháp lý, phóng viên Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Kế Hiền - Giám đốc công ty luật Bảo Tín để bạn đọc có góc nhìn đa chiều hơn về vụ việc.
Theo luật sư có hay không việc “quýt làm cam chịu” trong vụ án nguyên Viện phó VKSND TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy?
Người nào phạm tội thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong vụ việc này, vợ, con, người thân của ông Linh vô can, họ không có lỗi gì nên đương nhiên sẽ không phải gánh chịu những lời lẽ nhục mạ, xúc phạm danh dự từ dư luận. Hay nói cách khác, những cá nhân, tổ chức tự ý dùng hình ảnh, lời nói để bôi nhọ danh dự, làm nhục người thân của bị can Linh đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Điều quan trọng là gia đình ông Linh cần phải chỉ đích danh những cá nhân, tổ chức có hành vi lăng mạ, xỉ nhục mình để tố giác lên cơ quan cảnh sát điều tra.
Trong trường hợp này, gia đình bị can Linh có quyền mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Luật sư cho biết, những cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng hình ảnh, lời nói để lăng mạ, làm nhục vợ con bị can Nguyễn Hữu Linh đã phạm tội gì?
Theo khoản 1 Điều 20 của Hiến pháp 2013: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Hành vi làm nhục người khác có mối quan hệ chặt chẽ với danh dự và nhân phẩm con người. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định rất cụ thể tại Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình...”.
Do vậy, những người có hành vi dùng lời nói lăng mạ, xúc phạm vợ con bị can Nguyễn Hữu Linh có thể cấu thành tội Làm nhục người khác.
Thứ hai, về việc tự ý sử dụng hình ảnh người khác mà không được người đó đồng ý hoặc sử dụng sai mục đích, đưa lên mạng internet để bêu xấu, lăng mạ thì cá nhân, tổ chức có hành vi này đã vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin (khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện”. Hoặc bị xử lý hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288, BLHS năm 2015).
Trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để thu lợi bất chính hoặc với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể làm đơn tố giác người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân lên cơ quan công an nơi người đó cư trú.
Trách nhiệm pháp lý mà những cá nhân, tổ chức vi phạm là như thế nào, thưa luật sư?
Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155, BLHS năm 2015 thì “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Hoặc tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, người có hành vi vi phạm có thể đối mặt với mức án tù cao nhất lên tới 5 năm.
Về hành vi sử dụng hình ảnh của người khác: Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý... Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điểm e và điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 quy định rõ: "Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác".
Hơn nữa, tại điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào thực hiện hành vi "Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.