Bỏ qua bằng chứng
Tại phiên họp Quốc hội sáng 21/11, chánh án TAND Tối cao - Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của Đại biểu về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: “Vụ án có oan hay không phải được xem xét kịp thời thấu đáo nhưng phải theo quy định pháp luật. Nếu đúng là để xảy ra oan sai, người liên quan trực tiếp, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm. Việc ép cung, dùng nhục hình nếu có là điều không chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm. Nhưng cần phải chứng minh được việc đó.”
Về trách nhiệm của tòa án nhân dân tối cao trong các án oan nói chung và vụ Nguyễn Thanh Chấn nói riêng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: "Đối với tòa án, các hội đồng xét xử dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ, tòa án thụ lý theo đúng quy định pháp luật. Nếu hồ sơ vụ án khép kín, tòa án giải quyết theo hồ sơ. Việc hội đồng xét xử phát hiện ra ép cung hay không là rất khó. Nếu bị can có yêu cầu thì mới phát hiện được".
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trong phiên chất vấn sáng 21/11. |
Phần trả lời chất vấn của chánh án TAND Tối cao - Trương Hòa Bình đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Bởi, trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn đều không nhận tội, đồng thời ông cũng tố cáo việc Điều tra viên ép cung mình. Tuy nhiên, HĐXX đã bỏ qua, không xem xét thấu đáo yêu cầu của ông Chấn. Như vậy, phần trả lời của Chánh án Trương Hòa Bình đã mâu thuẫn trong vụ việc của ông Chấn.
Từ đây, dư luận đặt ra câu hỏi: Vậy việc phát hiện ép cung là khó hay dễ?
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Cty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: "Việc ép cung, dùng nhục hình là vi phạm pháp luật, Hành vi ép cung là phạm tôị. Cụ thể, hành vi đó phạm vào điều 299 Bộ luật Hình sự, nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng phải xử lý hình sự".
Việc cảm nhận có ép cung hay không, không đòi hỏi người cảm nhận được phải có khả năng khác thường. Tuy nhiên, việc chứng minh ép cung là rất khó vì các quy định về lấy cung trong quá trình điều tra còn rất hạn chế. Rất khó để có nhân chứng hoặc bằng chứng chứng minh cho việc có ép cung.
Để hạn chế vấn đề này, cần phải xây dựng các quy định cụ thể về thủ tục và điều kiện lấy cung. Ví dụ như về điều kiện và thủ tục phải có luật sư, kiểm sát viên hoặc người làm chứng; hay quá trình lấy cung phải ghi hình, việc này vẫn bảo đảm bí mật điều tra và cung cấp được bằng chứng khi cần thiết.
Trong vụ Nguyễn Thanh Chấn, bị cáo đã 2 lần kêu oan và tố điều tra viên ép cung trước tòa, tuy nhiên bị cáo không có bằng chứng để chứng minh điều đó ( vì rất khó với cách lấy cung hiện tại của các điều tra viên) nên hội đồng xét xử đã bỏ qua.
Việc ép cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra tại nước ta không phải mới xảy ra mà trước đó đã có tiền lệ. Đơn cử như vụ việc: Hai cảnh sát dùng nhục hình ép cung Osin tại Nha Trang, Cảnh sát ép cung xe ôm… đều xảy ra năm 2012 và còn rất nhiều vụ việc khác.
HĐXX suy diễn một cách chủ quan
Trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra nhiều điểm bất cập như việc 3 Cơ quan; CSĐT, Tòa án, Viện kiểm sát đáng nhẽ phải độc lập với nhau, nhưng trước khi xét xử người ta đều tổ chức cuộc họp của 3 nghành với nhau để thống nhất quan điểm về vụ án. Điều này làm hạn chế rất lớn tính độc lập của các thẩm phán trong phiên tòa, cũng như làm vô hiệu các tình tiết mới không có trong hồ sơ vụ án tại tòa.
Nên dễ hiểu, việc Ông Chấn kêu oan và tố điều tra viên ép cung trước tòa nhưng đã không được Hội đồng xét xử xem xét một cách có trách nhiệm mà đã suy diễn một cách chủ quan.
Cùng quan điểm với luật sư đồng nghiệp, luật sư Vũ Thị Nga, phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân tích: Việc các điều tra viên lấy lời khai cũng chỉ diễn ra giữa họ và bị cáo chứ không có người khác chứng kiến. Vả lại có những vụ án thời gian điều tra là mấy tháng, thậm chí là cả năm trời, đến khi ra tòa để tố cáo được hành vi của điều tra viên thì các dấu vết của việc dùng nhục hình bức cung, ép cung cũng ko còn.
Rất khó có thể tin được nếu một người hoàn toàn bình thường về mặt tâm thần lại tự dưng đi nhận một tội ác “tày đình” không do mình gây ra. Kể cả trong trường trường hợp thiếu hiểu biết nhất, khi đã trưởng thành thì ai cũng hiểu được rằng hành vi “giết người” là đặc biệt nghiêm trọng, có thể phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Trách nhiệm, để oan sai trong vụ ông Chấn trước hết thuộc về Cơ quan điều tra đã làm sai lệch hồ sơ vụ án; tiếp đó là Viện kiểm sát vì với chức năng giám sát quá trình điều tra đã không phát hiện ra các sai phạm của Cơ quan điều tra cũng như các điều tra viên. Cuối cùng thuộc về Hội đồng xét xử vì quá trình xét xử có bước thẩm vấn tại tòa, hơn nữa ông Chấn đã kêu oan và và tố mình bị ép cung tại ngay phiên tòa với Hội đồng xét xử. - luật sư Tuấn cho biết thêm.
Điều tra viên phủ nhận ép cung Đại tá Phạm Văn Minh - giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang sau đó cho biết các điều tra viên trực tiếp điều tra, xét hỏi ông Chấn hơn 10 năm trước đã hoàn tất việc giải trình mà theo đó “không thấy có vấn đề gì”. Tất cả các điều tra viên trong vụ án của ông Chấn trước đây (hiện nay đều đang giữ chức vụ lãnh đạo tại các đơn vị - PV) đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập và hướng dẫn ông Chấn khai vào bản cung. |
Thuận Phong