Vụ Nguyễn Thanh Chấn: Nhiều khuất tất cần được làm rõ

Vụ Nguyễn Thanh Chấn: Nhiều khuất tất cần được làm rõ

Thứ 5, 07/11/2013 12:34

Sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được tạm tha sau hơn 10 năm ngồi tù về tội "giết người” đã và tiếp tục chấn động dư luận.

Vụ Nguyễn Thanh Chấn: Nhiều khuất tất cần được làm rõ
Người thân òa khóc khi ông Chấn được xe công an đưa về nhà. Ảnh: T.L
Bị ép nên mới nhận tội?
Khi trả lời vì sao có bản tự thú trong hồ sơ vụ việc, ông Chấn  cho biết, trong thời gian bị tạm giam điều tra, các điều tra viên đánh đập, ép ông Chấn phải nhận tội, khiến ông Chấn không chịu được đành nhắm mắt nhận. "Có lúc trong một đêm họ bắt tôi phải thay buồng giam đến mấy lần. Lúc đấy tôi chỉ nghĩ thôi thì cứ nhận đại đi cho xong để đỡ bị đánh. Đến lúc ra tòa mình cãi cũng được, tòa xét xử nghiêm minh chứ….”.  Cũng theo ông Chấn, trong khi bị tạm giam, ông đã bị bắt phải viết theo đúng ý của điều tra viên. Để thực nghiệm điều tra, ông được các điều tra viên hướng dẫn từng động tác đến khi thuộc lòng. "Khi thực nghiệm hiện trường tại 1 căn nhà trống gần trại giam có nhiều người xem, tôi đã cố diễn đạt cho chuẩn để xong sớm. Lúc đó cũng chỉ mong muốn sớm được ra tòa để được nói rõ những oan khuất…”- ông Chấn nói. Hết bị cán bộ điều tra thẩm vấn, hỏi cung, ông Chấn còn bị phạm nhân cùng buồng đánh. "Vào buồng của phạm nhân tên H, tôi bị người này dùng dép đánh vào 2 mang tai, sau đó còn bắt hát”- ông Chấn kể lại.
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án, có rất nhiều dấu vết như: Nhiều dấu vết chân dưới sàn nhà, dấu tay có vết máu trên cửa và dấu vân tay trên chiếc gối đậy mặt chị Hoan, vân tay trên cánh cửa, thanh sắt cài cửa hậu… Nhưng những vân tay, vết chân trên hiện trường với vân tay, vết chân của bị cáo lại không được tòa đánh giá và kết luận một cách minh bạch. Luật sư Nguyễn Đức Biền- người trước đây là luật sư bào chữa cho ông Chấn ở hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, hiện là hiệu phó một trường trung cấp nghề ở Bắc Giang cho biết: Tại phiên toà phúc thẩm, toà cho biết, so sánh và đối chứng với kết quả xác định dấu chân của Nguyễn Thanh Chấn thuộc diện nghi vấn, về kích thước cơ học của 2 dấu bàn chân bên phải và bên trái gần đúng kích thước những dấu vết để lại tại hiện trường vụ án. Gần đúng nghĩa là chưa hẳn đúng. Với những người có khổ bàn chân na ná nhau, ướm vào nhau vẫn vừa nên chứng cứ này cũng không thuyết phục. Vậy còn dấu vân tay thì sao? Đây sẽ là chứng cứ quan trọng, đáng tin cậy nhất vì sao cơ quan điều tra có thể bỏ qua và kết luận Chấn đã giết người. Cũng theo luật sư Biền, thời điểm xảy ra vụ việc đó có người chứng kiến là ông Chấn gọi điện hộ cho ai đó và đã xác định được cuộc gọi đó do ông Chấn gọi. Đó là một chứng cứ ngoại phạm.
Vụ Nguyễn Thanh Chấn: Nhiều khuất tất cần được làm rõ (Hình 2).
Tìm ra hung thủ nhờ một câu nói vu vơ
Sau khi ông Chấn đi tù, bà Chiến gửi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan chức năng không hồi âm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, trong gia đình vợ chồng ông Lý Văn Chúc (bố đẻ của Chung) và bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế Chung) xảy ra nhiều mâu thuẫn. Nhiều lúc bà Lành và ông Chúc đã to tiếng về câu chuyện của Chung khiến hàng xóm xung quanh nghe được. Sau đó, trong một lần về nhà, bà Lành đã kể lại những gì mình biết với bố đẻ là ông Nguyễn Văn Hiền (trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên).
Đến cuối tháng 12-2012, ông Nguyễn Văn Hiền đã nói với bà Nguyễn Thị Chiến, rằng "anh Chấn oan quá”. Rồi những câu chuyện vu vơ của ông Hiền phần nào cho biết ông Hiền biết ai là người đã giết hại chị Hoan.
Đến khoảng tháng 5-2013, một lần nữa ông Hiền lại nói bóng gió về câu chuyện của gia đình ông Chúc. Câu chuyện này được mọi người trong nhà bà Chiến bàn bạc xem xét lại toàn bộ sự việc. Nhằm thu thập được bằng chứng, ông Thân Ngọc Hoạt (họ hàng với ông Chấn) đã dùng máy ghi âm, tìm cách ghi lại những lời nói, câu chuyện liên quan đến việc Lý Nguyễn Chung là người đã giết chị Hoan vào 10 năm trước. Những bằng chứng này đã được ông Thân Ngọc Hoạt ghi lại toàn bộ, sau đó cùng gia đình viết đơn gửi đến Cục Điều tra, Viện KSND tối cao để tố cáo và kêu oan cho ông Chấn. Cùng điểm này, những thông tin về việc ông Chấn không phải hung thủ thật sự được làng xóm kể cho nhau nghe đã đến tai ông Lý Văn Chúc. Biết rằng, việc đó chỉ có bà Lành nói ra, ông Chúc đã đe dọa vợ, nếu kể với ai nữa thì sẽ giết chết. Chính vì vậy sau khi cơ quan điều tra vào cuộc đã bắt khẩn cấp Lý Văn Chúc về hành vi đe dọa giết người. Ngày 5-7-2013, sau khi nhận được đơn của gia đình, Cục Điều tra đã tiến hành xác minh với nhiều đầu mối đã xác định được Chung chính là nghi can giết hại chị Nguyễn Thị Hoan vào tối 15-8-2003 nhằm cướp tài sản. Cho đến lúc đó, biết không thể thoát tội Lý Nguyễn Chung mới ra cơ quan công an để đầu thú.
Chiều ngày 6-11-2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã tổ chức phiên xét xử theo thủ tục tái thẩm đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết tội chung thân về tội "giết người”. Sau khi xem xét những chứng cứ do VKSND Tối cao đưa ra, Hội đồng Thẩm phán đã chấp nhận kháng nghị số 01 ngày 4-11-2013 của Viện trưởng VKSND Tối cao: Hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và hủy bản án phúc thẩm của TAND Tối cao đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Hội đồng Thẩm phán cũng quyết định điều tra lại vụ án theo quy định tại Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự. Như vậy với quyết định này, ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được minh oan khi vụ án được đưa ra xét xử trong thời gian tới.
Theo Đức Sơn (Đại đoàn kết)
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.