Bà Liễu sẽ có luật sư mới?
Sau phiên sơ thẩm diễn ra ngày 29/3 vừa qua, bà Trần Thúy Liễu đã có đơn kháng cáo vì cho rằng hình phạt chung thân là quá nặng so với bà. Mặc khác, đại diện hợp pháp phía nhà báo Hoàng Hùng là mẹ ông – bà Nguyễn Thị Kim Nga cũng có đơn kháng cáo đề nghị xem xét vụ án có đồng phạm.
Bà Liễu liên tục ngất xỉu trong phiên sơ thẩm ngày 29/3
PV báo Người đưa tin đã trao đổi với luật sư Nguyễn Cao Trí, người đã từng được chỉ định để bào chữa cho bị cáo Trần Thúy Liễu trong phiên sơ thẩm. Theo đó, ông Trí cho biết, trong phiên phúc thẩm tới, ông không còn là luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thúy Liễu, rất có thể TAND Tối cao sẽ chỉ định một vị trong Đoàn Luật sư TP.HCM.
Với tư cách là người đã từng trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án, cũng như nhiều lần được gặp bà Liễu trong trại giam, luật sư Nguyễn Cao Trí cho rằng, bà Trần Thúy Liễu hoàn toàn không cố ý tước đoạt sinh mạng của chồng là nhà báo Lê Hoàng Hùng. “Trong những lần tiếp xúc với bà Liễu, dù đang ở trạng thái hoảng loạn hay tỉnh táo, bà đều một mực khẳng định trong thâm tâm hoàn toàn không có ý giết chồng. Với lượng xăng 20.000 đồng mà bà Liễu mua cũng khó có thể thiêu cháy được một người. Và trên thực tế, sau khi vào viện cấp cứu đến 10 ngày thì Hoàng Hùng mới mất. Ngoài ra, bà Liễu đã rất tích cực cứu chữa cho Hoàng Hùng khi ông chạy sang kêu cứu. Nếu thật sự muốn chồng chết, bà Liễu có thể khóa tất cả các cửa phòng, cửa hành lang để Hoàng Hùng không thể chạy ra ngoài kêu cứu. Ngoài ra, bà Liễu cũng có thể đóng cửa phòng mình, giả bộ ngủ say coi như không biết việc gì đã xảy ra” - ông Trí nói.
Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Cao Trí, những dấu hiệu thực tế cấu thành tội phạm giữa tội giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người rất dễ gây nhầm lẫn. Vì thế, trong vụ án bà Trần Thúy Liễu dùng xăng đốt nhà báo Hoàng Hùng, dẫn đến việc ông bị tử vong cần phải mở rộng, xem xét, đối chiếu, so sánh với các dấu hiệu thực tế để đưa ra kết luận chính xác về tội danh. Cụ thể hơn, ông Trí phân tích: “Tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người về mặt khách quan là giống nhau. Vì hậu quả chết người đã được hoàn thành. Tuy nhiên, khách thể của tội giết người là xâm hại tới quyền được sống của con người, còn tội cố ý gây thương tích là xâm hại đến sức khỏe của con người”.
Hy vọng vào “tình tiết mới”
Về việc dư luận nghi ngờ trong vụ án này bà Liễu có đồng phạm, luật sư Nguyễn Cao Trí bày tỏ quan điểm: “Sau hai lần điều tra lại, Công an tỉnh Long An đã xác định vụ án này hoàn toàn không có đồng phạm. Tuy vậy, nghi ngờ là quyền của mọi người. Cá nhân tôi trong những lần tiếp xúc với bà Liễu đều có gặng hỏi bà trong vụ án này có người cùng thực hiện hay không. Những lúc như vậy, bà Liễu luôn khẳng định là do một mình bà lên kế hoạch và thực hiện. Trong niềm tin nội tâm, tôi cũng cho rằng chỉ một mình bà Liễu thực hiện hành vi phạm tội”.
Tuy nhiên, về phía bị hại, thân nhân nhà báo Hoàng Hùng luôn cho rằng bà Liễu không thể ra tay một mình. Trước và sau phiên xử, bà Tám Nga - mẹ nhà báo Hoàng Hùng, cũng là đại diện hợp pháp cho bị hại luôn một mực khẳng định: “Con dâu tui chưa từng dám giết con gà, con vịt thì làm sao dám một mình ra tay ác độc với chồng”. Cũng trong phiên sơ thẩm, cháu Lê Hồng Châu, con gái út của nhà báo Hoàng Hùng đã từng nghèn nghẹn nói trước tòa và hàng trăm người dự khán rằng: “Con xin hội đồng xét xử tìm ra đồng phạm đã giết cha con”. Chính vì thế, phía gia đình bị hại cho rằng, cấp sơ thẩm phán quyết một mình bà Liễu thực hiện hành vi giết chồng, không có đồng phạm là “có dấu hiệu bỏ lọt tội và vi phạm thủ tục tố tụng hình sự”. Do đó, sau phiên sơ thẩm một tuần, ngày 5/4/2102 bà Nguyễn Thị Kim Nga, mẹ cố nhà báo Hoàng Hùng đã tiếp tục gửi đơn kháng cáo đến Tòa án nhân dân tỉnh Long An yêu cầu phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án, giao hồ sơ cho Bộ công an điều tra lại.
Trong đơn, mẹ nhà báo Hoàng Hùng yêu cầu làm rõ một số điểm mâu thuẫn mà luật sư phía bị hại đã từng nêu trong phiên sơ thẩm. Cụ thể như: Cơ chế hình thành hai điểm xuất phát lửa tại giường ngủ của Hoàng Hùng; động cơ, mục đích giết người không rõ ràng (xuất phát từ bạo hành gia đình hay do nguyên nhân khác); lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng trước lúc qua đời không được đưa vào hồ sơ vụ án; hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn của bà Liễu và người tình là ông Nguyễn Văn Tâm không được làm rõ nội dung kịp thời; chi tiết hành vi gây án của bà Liễu trong đêm 19/1/2011 có nhiều điều chưa rõ ràng, việc mua vật chứng trước khi gây án cũng như các vật chứng bị “bỏ quên” trong quá trình điều tra…
Trong phiên sơ thẩm ngày 29/03 tại tòa Long An, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thúy Liễu đã đề nghị chuyển tội danh cho bà Liễu từ tội giết người theo điều 93 BLHS sang tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 điều 104 BLHS dẫn đến chết người, theo khoản này mức hình phạt cao nhất là 15 năm. Nhưng đề nghị này không được chấp thuận. Kết thúc phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt bị cáo Trần Thúy Liễu mức án chung thân về tội “Giết người”. |
Ngọc Giàu