Vũ “nhôm” vẫn là đề tài nóng, đặc biệt khi có tin ông ta đang bị Singapore bắt giữ. Và lần này, ở câu lạc bộ Thái Phiên – nơi sinh hoạt của cán bộ trung cao cấp đã nghỉ hưu – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa lại đưa ra những câu hỏi “nóng” và rồi chính ông giải đáp một phần.
Câu hỏi ông đưa ra với các cán bộ hưu trí chiều 3.1 cũng đang được dư luận rất băn khoăn: "Tại sao Vũ "nhôm" mua được nhiều đất công mà không phải người khác?".
Có lẽ, với câu hỏi này, dù rằng chưa rành rẽ ngóc ngách của nó, nhiều người đã có câu trả lời, đặc biệt với các cán bộ hưu trí. Chính các cụ hiểu rõ hơn ai hết từng giai đoạn mà Vũ “nhôm” tìm cách nắm "gót chân Asin" một số vị lãnh đạo ở Đà Nẵng để mua chuộc rồi đi đến khống chế.
Ông Đặng Vân, thành viên câu lạc bộ Thái Phiên đưa ra một câu hỏi ngắn gọn nhưng chứa chất bao băn khoăn của dư luận bấy lâu: "Vì sao Vũ "nhôm" khống chế, chi phối được lãnh đạo TP mà nhiều năm qua chúng ta không nói ra được”. Ông Vân phải đưa ra câu hỏi vì sao “chúng ta không nói ra được”, đủ thấy Vũ “nhôm” tác oai tác quái ở Đà Nẵng như thế nào.
Vấn đề là, vì sao ông ta có thể thao túng một số mặt của chính quyền Đà Nẵng, mà không chỉ một khóa? Đó là điều mà dư luận cần các cơ quan chức năng làm rõ.
Không trả lời thẳng vào nội dung những câu hỏi của các cụ, nhưng ông Trương Quang Nghĩa khẳng định một thông điệp rất đáng chú ý: Từ nay tất cả đất đai, nhà công sản sau khi di chuyển, sắp xếp lại trụ sở, tuyệt đối không được bán mà phải dành cho các công trình công cộng.
Có lẽ nội dung này không còn bó hẹp ở Đà Nẵng, nó là điểm để dư luận nhận biết dễ dàng nhất: Lợi ích nhóm đã thao túng chính quyền địa phương như thế nào và ở cấp độ nào?
Thử hỏi, không ít các trụ sở đẹp ở trung tâm ở một số thành phố lớn được di dời đi với mục đích nhằm giải tỏa áp lực giao thông, dân cư nội đô và lôi kéo cư dân ra ven đô, nhưng thực tế thì sao?
Về vấn đề này, không chỉ còn là câu chuyện “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, mà nó còn tệ hại hơn nhiều. Rất nhiều chung cư cao tầng mọc lên ngạo nghễ trên những mảnh đất công ở nội đô. Điều nguy hiểm là, quy hoạch đó được thay đổi một cách có vẻ “đúng quy trình”, thậm chí khoác áo “vì xã hội”. Đặc biệt, không chỉ một vài dự án bị thay đổi quy hoạch, mà nhiều, rất nhiều dự án bị băm nát chỉ để phục vụ lợi ích nhóm.
Do đó, dư luận rất đồng tình với quan điểm của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa: "Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch đất đai, đô thị “có rất nhiều vấn đề”. Có hiện tượng ban đầu quy hoạch rất đẹp nhưng sau đó bị băm nát. Quy hoạch ban đầu có công viên cây xanh nhưng sau đó lại bị xẻ ra làm việc khác. Vì vậy, bây giờ tất cả các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt thì không ai được phép can thiệp".
“Không ai được phép can thiệp” – đó là thông điệp rất đáng quý, dù rằng về luật, lẽ ra nó là chuyện đương nhiên.
Ông Nghĩa đánh giá: "May là sau khi di dời trụ sở UBND TP vào trung tâm hành chính chúng ta không bán miếng đất đó. Đó là "Đà Nẵng xưa", là “của để dành”. Nếu bán và bây giờ họ lại xây lên đó một tòa nhà cao tầng nữa thì coi như mất hết".
Ngẫm lại, Đà Nẵng vẫn còn “may” hơn một số thành phố khác.
Vương Hà
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả