Như báo người Đưa Tin đã phản ánh, hoảng 10h sáng nay (30/10), tại cơ sở chế biến don của gia đình anh Tạ Duy Anh, thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã xảy ra vụ nổ nồi hơi và bình ga làm 4 người chết, 11 người bị thương. Vụ nổ khiến toàn bộ xưởng chế biến don có diện tích khoảng 100m2 lợp bằng ngói và tôn bị sập.
Vụ nổ trên là hồi chuông cảnh báo về việc người dân thiếu hiểu biết trong việc vận hành các thiết bị dễ cháy nổ trong các khu chế biến thủy hải sản hiện nay.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho hay, ông vừa trở về từ hiện trường vụ nổ. Chứng kiến cảnh tan hoang của khu sản xuất, Tiến sĩ Khải phải thốt lên: “Nếu người dân được học đến nơi đến chốn thì không xảy ra vụ việc thương tâm trên. Vận hành nồi hơi không thể tùy tiện, nếu không sẽ như đánh cược với tính mạng”.
Theo Tiến sĩ Khải, sáng 30/10, tại một xưởng thu gom chế biến don điển ở gần ngã ba của đường xuống bến cảng, lối vào Công ty cổ phần đóng tàu Đại Dương, lối vào Quang Lang đi Thụy Xuân, Thụy Trường (Thái Bình) đã xảy ra vụ nổ nồi hơi.
Cơ sở này kinh doanh con don, lán trại còn rất đơn sơ. “Theo tìm hiểu của tôi, cơ sở này không có điện, dùng gas đốt nồi hơi. Do vậy, tôi cho rằng, do không điều khiển được nhiệt độ trong lò nên lò bị vỡ”, Tiến sĩ Khải nhận định.
Tiến sĩ Khải chia sẻ, khi có mặt ở hiện trường vụ nổ, ông đã được công nhân ở đây kể lại rằng, hôm đó thợ điện không có mặt ở đấy, thế nên việc vận hàn nồi hơi đã gặp sự cố nghiêm trọng. Những người bị thương đều là phụ nữ nhiều tuổi.
Cơ sở quá thấp kém về vật chất kỹ thuật, quy trình sản xuất không đảm bảo. Thông thường, người ta sẽ thu mua don về xưởng rồi dùng nồi hơi hấp lên và lấy thành phẩm bán cho các nơi chuyên làm thức ăn cho gia súc.
Theo phản ánh, tại thời điểm diễn ra vụ nổ không có điện và lò hơi hoạt động bằng gas. Khi sử dụng nồi hơi bằng điện sẽ có rơ- le ngắt để kiểm soát nhiệt độ. Theo đó, nếu chúng ta đun đến một nhiệt độ X, ấp xuất Y nào đó, nếu nhiệt độ cao hơn, áp suất tăng thì khí sẽ phì ra để áp suất luôn nhỏ hơn mức cho phép. Có như vậy, nồi hơi mới không bị nổ.
“Cách đây 1 năm ở Thủy Dũng cũng từng xảy ra vụ nổ lò hơi. Về nguyên tắc, nếu ở xưởng không có thợ điện làm việc mà sử dụng gas để đun lò hơi thì quy trình phải rất chặt chẽ. Nếu đun lò hơi bằng gas mà chỉ sơ ý là sẽ xảy ra sự cố. Dùng gas mà rơ- le không có ngắt, nhiệt độ cao quá mức quy định, áp suất trong nồi lớn hơn cho phép, hơi không xì ra sẽ gây nổ”, Tiến sĩ Khải phân tích.
Qua sự việc này cho thấy, việc sử dụng các thiết bị khoa học kỹ thuật là phải am hiểu. Trong quá trình vận hành nồi hơi phải theo dõi, không thể vận hành tùy tiện như vặn vòi nước ra cho nước chảy lênh láng rồi muốn làm việc gì thì làm.
“Điều đáng nói, phần lớn những công nhân làm ở xưởng đều là phụ nữ, ở độ tuổi 40 và những người trực tiếp vận hành nồi hơi đều là phụ nữ. Trong khi họ không nắm rõ cách vận hành của thiết bị nên rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Khải nói.
Tiến sĩ Khải khuyến cáo: “Nếu không biết nguyên lý cấu tạo hoạt động của máy móc, không có thời gian thường xuyên kiểm soát hoạt động của máy móc thì không được cho máy móc hoạt động”.
Muốn phát triển bền vững, con người phải được học hành, phải có công cụ lao động hiện đại. “Tôi nghe nói, 1 ngày xưởng sản xuất này làm ra 24 tấn thành phẩm. Một xưởng sản xuất thủ công mà sản xuất như vậy thì không đảm bảo mà nó đòi hỏi phải có một nhà máy lớn, dây chuyền sản xuất hiện đại mới đảm bảo chất lượng cao”, Tiến sĩ Khải quả quyết.
N.Giang