Xung quanh vụ nổ kho phế liệu khiến 2 trẻ nhỏ tử vong cùng nhiều người khác bị thương tại thôn Quan Độ (Văn Môn - Yên Phong – Bắc Ninh), nhiều người đặt câu hỏi trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương ra sao, nhất là trước đó hơn 10 năm cũng tại một xưởng phế liệu nhà ông Nguyễn Văn Tiến từng xảy ra một vụ nổ khác.
Trước câu hỏi về trách nhiệm quản lý PV liên hệ với chính quyền xã Văn Môn. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã Văn Môn một mực “né tránh” với lý do không trả lời câu hỏi đó vào lúc này. Trong khi đó lãnh đạo UBND huyện Yên Phong thì cho rằng khó quản lý được khi người dân mua chui lủi dù thừa nhận khoảng 10 năm trước từng có vụ nổ xảy ra tại xưởng của ông Tiến.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, đoàn Luật sư Hà Nội) bày tỏ: “Rõ ràng những vụ việc cháy, nổ do hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ đã xảy ra nhiều lần, nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà những người có trách nhiệm quản lý khu vực có hoạt động kinh doanh phế liệu không lấy đó làm bài học để sát sao trong công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ này. Tôi cho rằng không thể loại trừ trách nhiệm của những người có vai trò quản lý nơi đây”.
Ngoài ra, luật sư Thanh cho rằng: Theo Nghị định số 26/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, vũ khí đã tiếp nhận, thu gom phải được thống kê, phân loại để xác định chất lượng và giá trị sử dụng phục vụ cho việc xử lý, cụ thể như sau: Nếu còn giá trị sử dụng sau khi được phân loại sẽ được đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật; nếu không còn giá trị sử dụng thì sẽ loại bỏ để tiêu hủy. Việc tiêu hủy được thực hiện sao cho đạt được mục đích là làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng của vũ khí. Như vậy, vũ khí dù ở trong tình trạng không còn giá trị sử dụng cũng không được phép mua bán.
Nhận định về khung hình phạt mà chủ cơ sở phế liệu phải đối mặt, luật sư Thanh cho biết: Theo thông tin trên báo chí, chủ kho phế liệu đã bị cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Nếu bị kết án về tội danh này, chủ kho phế liệu có thể bị phạt tù với mức cao nhất là chung thân theo khoản 4, Điều 304, Bộ luật hình sự 2015 do hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Bên cạnh đó, chủ kho phế liệu còn phải bồi thường về mặt dân sự đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của các nạn nhân.
Cũng nhận định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vụ việc này, nguyên ĐBQH PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ: “Chính quyền địa phương, người quản lý địa bàn dân cư để xảy ra vụ nổ sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Trách dân một phần nhưng phải quy rõ trách nhiệm của quản lý địa phương. Không thể để 7 tấn đầu đạn tồn tại ở trên địa bàn của mình như thế trong một thời gian dài được. Tại sao lại không biết?”
“Trên địa bàn của mình thì phải biết rõ người dân làm những gì, kinh doanh cái gì, phải nắm được. Cán bộ là công bộc của dân thì phải làm được điều đó. Tôi nhấn mạnh lại, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền địa phương. Người dân vì mưu sinh họ phải kiếm sống, cũng có người vì không biết nên vi phạm, có người biết nhưng vẫn vi phạm vì ham lợi nhuận. Điều này cũng phải làm rõ trong thời gian tới qua quá trình điều tra của cơ quan chức năng”,bà An bày tỏ.