Đề xuất tạm đình chỉ công tác 30 ngày
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh nữ hành khách có tên Lê Thị Hiền (36 tuổi, cán bộ công tác tại Công an quận Đống Đa - Hà Nội), mẳng chửi thậm tệ nhân viên tại quầy làm thủ tục hành lý của Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất.
Theo nội dung clip ghi lại, nữ hành khách này chửi bới nhân viên quầy làm thủ tục hành lý của Vietnam Airlines bằng rất nhiều lời lẽ thô tục, cay nghiệt và thái độ thách thức dù nhiều hành khách khác và nhân viên an ninh sân bay ra sức can ngăn.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an quận Đống Đa đã có báo cáo với đồng chí Giám đốc công an TP Hà Nội. Theo đó, đơn vị này xác định hình ảnh của nữ hành khách trong các video trên là đồng chí Đại úy Lê Thị Hiền (SN 1983, quê quán: Cẩm Thủy, Thanh Hóa), hiện là cán bộ của Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Đống Đa.
Theo báo cáo nội dung sự việc của đồng chí Lê Thị Hiền, trong quá trình làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, do không được giải quyết yêu cầu về việc gửi hành lý nên đã xảy ra cãi vã giữa bà Hiền với nhân viên làm thủ tục và lực lượng an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất.
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 27/2017/TT-BCA, ngày 22/8/2018 của bộ Công an về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân; công an quận Đống Đa bước đầu xác định thái độ, lời nói, cử chỉ của đồng chí Lê Thị Hiền trong các đoạn video nói trên đã vi phạm quy định về việc ứng xử nơi công cộng của cán bộ cảnh sát CAND; công an quận Đống Đa đã có báo cáo đề xuất đồng chí Giám đốc công an thành phố về việc tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với đồng chí Lê Thị Hiền để tiến hành kiểm điểm và xác minh làm rõ sự việc, xử lý theo quy định.
“Mức phạt 200.000 đồng là quá nhẹ”
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Trung Tiệp – thuộc công ty Luật Dragon (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Theo thông tin báo chí đăng tải thì khó có thể chấp nhận được hành vi của một người phụ nữ, thậm chí còn là Đại úy công an lại có hành vi, lời lẽ thóa mạ, sỉ nhục, chửi bới, xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhân viên sân bay. Việc này đã gây ảnh hưởng đến trật tự của sân bay, là nơi có cả hành khách quốc tế.
“Người nữ công an này là người hiểu biết pháp luật, làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng đã mắc sai phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến nhân thân của các nhân viên sân bay, trật tự nơi công cộng. Điều này khiến cho người nước ngoài sẽ có nhìn nhận, đánh giá không tốt về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”, luật sư Tiệp bất bình nói.
Vì vậy, dưới góc độ pháp lý, luật sư Tiệp cho rằng: Các nhân viên sân bay và ban giám đốc/lãnh đạo của sân bay là người bị hại có quyền làm đơn tố cáo/tố giác cùng các bằng chứng như ghi âm, ghi hình (nếu có) đến các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an, VKS cấp quận/huyện nơi xảy ra sự việc về hành vi sai phạm của nữ đại úy này. Đồng thời gửi đơn trực tiếp đến cơ quan của người này đang công tác.
Trên cơ sở đó, khi tiếp nhận đơn, cơ quan có thẩm quyền sẽ triệu tập lấy lời khai của các đương sự là bị hại, người làm chứng, người bị tố cáo để điều tra xác minh làm rõ vụ án.
Trong trường hợp nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ xử lý về 02 tội danh là: tội Làm nhục người khác (Điều 155, BLHS năm 2015) và tội Gây rối trật tự công cộng (Điều 318, BLHS năm 2015).
Trong trường hợp không xử lý được về hình sự, sẽ xử phạt về hành chính theo nghị định 167/2013/NĐ - CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, theo các lỗi vi phạm như trên.
Cũng theo luật sư Tiệp thì mức xử phạt 200.000 đồng đối với nữ đại úy Lê Thị Hiền là quá nhẹ, không đủ sức răn đe và chưa phù hợp, tương xứng với lỗi của người vi phạm gây ra, khiến quần chúng nhân dân bất bình là hoàn toàn có cơ sở.
Cần thắt chặt an ninh sân bay
Sau sự việc, chuyên gia pháp lý Nguyễn Trung Tiệp cho rằng, cần thiết phải siết chặt và có những quy định rõ ràng về an ninh hàng không, việc này là rất cấp bách.
Trước hết, để tránh những tình trạng tương tự như trên, các sân bay phải tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh, kiên quyết xử lý, áp giải các đối tượng có hành vi gây rối tại sân bay ra bên ngoài.
Đồng thời, đề ra nội quy của sân bay, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền như Chính Phủ, Bộ giao thông, Cục hành không đề ra các chế tài xử lý thật nặng đối với các hành vi sai phạm. Như là ban hành các nghị định, thông tư, quy chế trật tự nơi sân bay.
“Chúng ta đã có Luật hàng không, vì vậy việc ban hành các văn bản riêng như đề xuất ở trên là rất cần thiết, cấp bách. Bên cạnh đó, các sân bay cũng cần phải tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhân viên để có cách ứng xử phù hợp với khách, tránh có những hành vi sách nhiễu, phiền hà…”, luật sư Tiệp đề xuất.
Đồng tình với quan điểm của luật sư Tiệp, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang cho rằng: Trong các trường hợp này cần xử lý kiên quyết, mạnh tay hơn nữa, không để tình trạng gây mất trật tự, ồn ào nơi công cộng kéo dài.
“Đối với những hành khách có hành vi lăng mạ, chửi bới nhân viên sân bay, nếu bước đầu thấy đủ điều kiện xử lý hành chính, cần thiết phải cách ly ngay, không để ồn ào xảy ra ở nơi đông người, gây ảnh hưởng đến những người khác, cũng như làm mất hình ảnh con người, đất nước Việt Nam”, luật sư Vinh nêu quan điểm.