Khô nhái hay nhái phơi khô là món ăn xuất có xuất xứ từ Campuchia. Bà con vùng Bảy Núi (An Giang) ở gần vùng biên được thử món lạ nước bạn đã học làm theo. Nhờ khéo tay lại chế biến tinh tế nên không bao lâu khô nhái trở thành món ngon nổi tiếng ở miền Tây.
Theo lời kể của những bà con nơi đây, ở miệt vườn sông nước miền Tây nhái sinh sản rất nhanh đặc biệt là vào mùa mưa. Mỗi khi vào mùa sinh sản, nhái lại kêu râm ran khắp cánh đồng nghe như những khúc nhạc du dương không ngớt. Có rất nhiều loại nhái sinh sống ở vùng này nhưng chỉ có loại nhái cơm sống ven các ruộng lúa mới có thể dùng để chế biến ra món đặc sản "vũ nữ chân dài".
Nhái sau khi bắt về, lột da rửa nước sạch, ướp gia vị rồi mới đem phơi. Khô nhái đạt chất lượng cao phải ướp nhái với tiêu, ớt, muối và vài gia vị khác. Thông thường ướp khô nhái với nhiều gia vị phải để 1,5 - 2 tiếng mới vớt nhái ra phơi. Công đoạn tiếp theo là xếp nhái thẳng hàng trên giàn phơi.
Những con nhái cơm với kích thước nhỏ bé, khi được phơi khô thì thu lại bé xíu chỉ còn bằng ngón tay, trung bình cứ 4kg nhái tươi sẽ cho ra 1 kg nhái khô. Nhái ở miền Tây có quanh năm trên đồng ruộng nên khô nhái cũng được làm quanh năm, tuy nhiên có mùa ít, mùa nhiều.
Không phải ngẫu nhiên mà khô nhái được người ta ưu ái đặt cho tên gọi mỹ miều là “vũ nữ chân dài”. Những con người miền Tây chân chất nơi đây nói rằng, do mùi vị thơm ngon của khô nhái cộng với hình dáng vô cùng đặc biệt của nhái lúc phơi nên người ta mới đặt ra tên gọi này.
Những món ăn được chế biến từ khô nhái này, món nào cũng để lại dư vị khó quên cho người thưởng thức. Đơn giản thì chỉ cần nướng trực tiếp trên than hồng, hoặc chiên giòn là đã có một đĩa vũ nữ chân dài thơm lừng, giòn rụm để thưởng thức. Hoặc có thể chế biến thành món nhái khô chiên bơ tỏi. Cầu kỳ hơn có thể chế biến thành món “vũ nữ chân dài chiên nước mắm”...
Phổ biến và dễ làm nhất là chiên bơ tỏi. Khô nhái không cần rửa lại với nước, cho vào chảo nóng với chút dầu, chiên khoảng 15 phút trong lửa nhỏ liu riu, lúc gần chín tới cho bơ tỏi vào. Khoảng 1-2 phút sau là có thể cho ra đĩa dùng nóng.
Ở các quán nhậu, khô nhái được phục vụ cùng tương ớt, nhưng nước chấm ngon đúng điệu của người miền Tây phải là nước mắm me chua ngọt. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm được nguyên vị ngọt thanh, dẻo dai của thịt nhái, vị giòn tan của xương kết hợp cùng vị cay nồng của ớt, vị thơm lừng của tỏi, vị chua ngọt của nước mắm me. Tất cả hòa quyện nên một món ăn đậm đà, tinh túy của đất trời miền Tây.
Ban đầu, món ăn này chỉ là món ăn dân dã của những người dân, nhưng dần dần, món nhái khô này chiếm trọn cảm tình của du khách khi đến với miền sông nước nên ngày một xuất hiện nhiều ở các nhà hàng và quán nhậu… Nếu có dịp ghé miền Tây hãy tìm thử nay đặc sản “vũ nữ chân dài” nơi đây nhé.
Bá Di (Tổng hợp)