Để rộng đường dư luận, PV báo điện tử người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến, đánh giá phân tích từ ĐBQH Phạm Văn Hoà (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội).
Thưa đại biểu, vụ việc nữ trưởng phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk dùng bằng tốt nghiệp của chị gái để thăng tiến đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự việc này?
Tôi cho rằng, vụ việc của bà Ái Sa là một bài học riêng của Đắk Lắk, nhưng cũng là bài học chung của cả nước trong việc tuyển dụng người, kết nạp Đảng.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy trình kết nạp Đảng rất chặt chẽ, nhưng phải chăng ở đây khâu xác minh lý lịch có vấn đề?
Rõ ràng sơ suất trong việc xác minh, sơ suất trong khâu quản lý cán bộ nên dẫn đến việc xác minh lý lịch cũng không cử cán bộ đi. Nhưng, quan trọng người làm hồ sơ gian dối là phải chịu thi hành kỷ luật, còn người bổ nhiệm đứng đầu chi bộ phải xem xét nguyên nhân khách quan là do đâu, xử lý cho đúng theo quy định của pháp luật.
Thưa đại biểu, dư luận đặt ra băn khoăn tại sao để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vậy mà các cán bộ chỉ bị đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm? Liệu đây phải chăng chỉ là xử lý cho có?
Đây là một lỗ hổng trong việc tuyển dụng người và tổ chức kết nạp Đảng. Quy trình kết nạp Đảng rất chặt chẽ, nhưng ở đây tôi cho rằng quy trình chưa được thực hiện đúng. Nếu ở địa phương chỉ cần xác nhận gia đình có người là đảng viên rồi ký vào như vậy là không được.
Tất nhiên, bản thân bà Ái Sa khai man lý lịch và xử lý theo quy định của điều lệ Đảng là đúng. Nhưng, ở đây tôi muốn nói cơ quan, tổ chức chi bộ và người đứng đầu tuyển dụng người là sơ suất lớn, cần phải có kiểm điểm trách nhiệm.
Kiểm điểm trách nhiệm phải làm rõ nguyên nhân, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, phân tích cụ thể làm sao để mọi người thấy xử lý như vậy là thích hợp. Cũng có thể kiểm điểm rút kinh nghiệm, hoặc thi hành xử lý kỷ luật nếu đến mức phải kỷ luật. Đó là do chi bộ, do cơ quan đơn vị xử lý hình thức kỷ luật, kiểm điểm và UBKT xem xét tuỳ theo mức độ mà có hình thức xử lý cho đúng quy định của Điều lệ Đảng.
Xin cảm ơn đại biểu!
Biết chuyện mà lờ đi thì không thể chỉ rút kinh nghiệm
Trao đổi thêm với PV, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay: “Khi xét những vấn đề sai phạm phải xem hồ sơ, không thể nói bằng cảm tính, cảm tình để xử lý mà phải căn cứ vào trường hợp cụ thể.
Nếu như những người gián tiếp liên quan thì rút kinh nghiệm cũng là tốt, nhưng còn những người vì nể nang, né tránh thì ngoài việc kiểm điểm nghiêm khắc còn cần phải có hình thức kỷ luật tương xứng.
Giả thiết những người trong tập thể biểu quyết thông qua hồ sơ Đảng viên thì có người đồng ý, vậy thì những người biểu quyết cần rút kinh nghiệm lần sau vì tin ở tổ chức… Còn những người biết có chuyện sai, nhưng lờ đi thì không thể rút kinh nghiệm được.
Xử lý con người và xem xét trách nhiệm là căn cứ vào các hồ sơ, kiểm tra, điều tra. Những ai liên quan đến vụ việc tuỳ theo mức độ mà xử lý. Còn nếu, những người biết chuyện nhưng lờ đi thì phải xử lý kỷ luật chứ không chỉ rút kinh nghiệm”.
Tóm tắt sự việc:
Trước đó, dư luận xôn xao trước thông tin bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản Trị, thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố cáo sử dụng bằng giả để thăng tiến.
Được biết, nữ trưởng phòng xuất thân từ nghề thợ cắt tóc gội đầu, sau đó "mượn" bằng tốt nghiệp THPT của chị gái đi học lên kế toán. Sau một thời gian ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Sa giả này (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) đã được điều qua làm kế toán tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, rồi lên chức Trưởng phòng Quản trị.
Ngay sau khi nhận đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Thảo vì dùng bằng của chị gái để công tác, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã điều tra xác minh. Đồng thời, tiến hành khai trừ Đảng, cách chức và buộc thôi việc đối với bà này.