Ép người dân vào sự đã rồi
Xoay quanh vấn đề nóng này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Hồng Kiên, Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), theo luật sư Kiên cho rằng, việc Hà Nội tự ý quyết định phê duyệt giá nước với công ty nước mặt Sông Đuống là không chấp nhận được.
“Biết rằng thuận mua vừa bán là điều cơ bản của doanh nghiệp, tuy nhiên TP. Hà Nội là đơn vị đứng ra ký kết mua nước với công ty nước Sông Đuống thì cũng cần tham khảo ý kiến người dân để đảm bảo quyền lợi cho đôi bên, như thế này khác nào ép người dân vào sự đã rồi”, luật sư Kiên nhấn mạnh.
Nước sạch là mặt hàng mang tính chất đặc biệt, không phải ai thích thì mua ai không thích thì thôi, đây là vấn đề dân sinh mọi gia đình đều cần đến nước sạch. Mà sau sự cố sông Đà người dân không còn nhiều lựa chọn về công ty nước sạch. Chính vì thế quan điểm luật sư Kiên đề nghị UBND Hà Nội cần có sự can thiệp phù hợp để vừa đảm bảo lợi ích cho người dân mà vừa đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
“Không thể cứ doanh nghiệp đưa ra thế nào thì Hà Nội chấp thuận thế ấy, như vậy không công bằng với người dân”, luật sư Kiên khẳng định.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng việc đầu tư như thế, anh xe ôm cũng làm được.
Theo đó, công ty Nước mặt sông Đuống đầu tư gần 5.000 tỷ đồng cho dự án, tuy nhiên đi vay lãi gần 4.000 tỷ và chi phí lãi được tính vào giá nước là khó có chấp nhận. Việc thành lập dự án làm nước sạch rất dễ kêu gọi vì đầu ra ổn định, nước sạch thì nhà ai cũng phải cần, mất nước là cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Hơn hết giá nước trong tương lai chỉ có tăng lên chứ không giảm.
Và đặc biệt, dự án này được TP. Hà Nội phê duyệt, chính vì vậy tính rủi ro gần như không có, theo đó việc kêu gọi vốn vay làm dự án nước sạch không hề khó khăn và chắc chắn bất kỳ doanh nghiệp nào trình dự án cũng được các ngân hàng chấp thuận. Nhưng việc doanh nghiệp phải đi vay vốn mất 2/3 thì cho thấy đơn vị này không có tiềm lực kinh tế.
“Việc Hà Nội tự quyết định giá bán buôn cho nhà máy nước sông Đuống việc này là sai thẩm quyền, sai quy định. Theo ông Ứng, tại Nghị định 117 năm 2007, nhà nước chỉ quy định giá bán lẻ, còn việc giá bán buôn sẽ do các bên tự thỏa thuận”, ông Ứng cho hay.
Hơn hết, luật sư Ứng nhận định việc Hà Nội mua giá nước sông Đuống giá cao, sau đó lại áp giá buôn cho hai công ty nước rồi lại lấy ngân sách bù lỗ là cách điều hành thụt lùi, lòng vòng! Cách làm này chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Nếu tình trạng này cứ diễn ra sẽ làm thất thoát ngân sách.
Không có quyền đàm phán giá
Đặt câu chuyện người dân là một chủ thể của hợp đồng kinh tế, vậy người dân có được tham gia đàm phán giá nước sạch hay không? Người dân không uỷ quyền liệu Hà Nội có được thay mặt cho người tiêu dùng đàm phán giá nước sạch?
Trao đổi thêm với PV về những thắc mắc này, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc công ty luật TNHH LSX - đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Thật ra, nước sạch, xăng dầu, điện là mặt hàng nhà nước cung cấp và người dân được quyền ký hợp đồng nhưng không được lựa chọn chủ thể giao kết. Khi đã không được lựa chọn chủ thể để giao kết thì nhà nước sử dụng Luật giá.
Theo Luật giá, những mặt hàng này, nhà nước sẽ ấn định giá dựa trên thương lượng giữa chủ đầu tư và người tiêu dùng chỉ được quyền hợp đồng theo mẫu, không được đàm phán. Giá đó là giá do nhà nước ấn định nên người dân không có bất kỳ quyền nào trong việc đàm phán giá, Luật giá quy định như vậy”.
Luật sư Lực cũng cho hay, liên quan đến cạnh tranh tối thiểu phải có hai người nhưng chúng ta không có ai để lựa chọn, cơ chế độc quyền không hề có chút cạnh tranh nào trong việc cung cấp điện, nước, xăng dầu, giá nhà nước ấn định và không ai muốn phá vỡ cơ chế đó dẫn đến người dân là người phải chịu.
“Rõ ràng, người dân có tiền nhưng chỉ được mua chỉ định gần như theo hình thức bao cấp. Khi không có sự cạnh tranh không được lựa chọn, để giải quyết vấn đề này buộc phải tháo gỡ vấn đề, như phải có thị trường nước sạch cạnh tranh”, luật sư Lực cho biết thêm.
Trước đó, tại buổi họp giao ban báo chí do Thành ủy tổ chức chiều 12/11, thông tin Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.
Tại đây, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc sở Tài chính Hà Nội thừa nhận nếu giá tạm tính (10.246 đồng/m3) cao hơn giá bán lẻ hiện hành là hơn 7.000 đồng/m3. Vì vậy, ông Hà cho biết, TP.Hà Nội đang hiệp thương với Công ty nước mặt sông Đuống và các đơn vị phân phối, theo nguyên tắc giá bán buôn không được phép cao hơn giá bán lẻ.
Ông Hà cũng giải thích vì sao giá nước mặt sông Đuống cao hơn nước sạch sông Đà. Ông Hà giải thích về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định, tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau.
Theo đó, vào ngày 27/12/2018, liên ngành Tài chính - Xây dựng - công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội, Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty nước mặt sông Đuống có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán nước của nhà máy nước mặt sông Đuống cho hai đơn vị là 7.700 đồng/m3.
Theo đó, với mức giá bán cho hai đơn vị này liên ngành TP. Hà Nội lên phương án đề xuất cấp bù lỗ và cũng bù lỗ cho công ty Nước mặt sông Đuống.
Tại tờ trình này, liên ngành đề nghị UBND TP. Hà Nội cấp bù trong năm 2019 cho công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội là hơn 37 tỉ đồng, Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội khi mua 80.000m3/ngày đêm là hơn 118 tỉ đồng và bù cho Công ty Nước mặt sông Đuống khoảng 43 tỉ đồng. Tổng số tiền Hà Nội phải bù lỗ khi mua nước nhà máy nước sông Đuống lên tới gần 200 tỷ đồng.
Trước những kiến nghị của liên ngành, ngày 9/1/2019, Văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội: Chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của liên ngành.
Thanh Lam - Di Hân