Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Dương Văn Cường, Chánh văn phòng Tổng cục Thủy sản, bộ NN&PTNT chia sẻ, vụ doanh nghiệp thuê đất của người dân để trồng sen nhưng lại nuôi tôm hùm đỏ tại Đồng Tháp đang gây xôn xao dư luận, Tổng cục và Bộ đã nắm được thông tin liên quan. Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng cục sát sao vụ việc. Theo đó, địa phương cũng đã xử lý những vấn đề liên quan và sẽ có báo cáo chính thức.
Cũng liên quan sự việc trên, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết thêm, hiện, Vụ cũng đã yêu cầu sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp báo cáo chi tiết tình hình vụ việc xảy ra tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, đồng thời báo cáo quá trình thực hiện xử lý tiêu hủy tôm hùm đỏ. Địa phương cũng đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo.
Theo ông Cẩn, tính đến thời điểm hiện tại, sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành các đợt thu gom, tiêu hủy các cá thể tôm hùm đỏ. Cụ thể, đợt tiêu hủy tôm hùm đỏ đầu tiên là vào ngày 6/12/2016, bắt được 33 con tôm sống và 55 con tôm chết. Cùng với việc tiêu hủy tôm, cơ quan kiểm tra, giám sát của địa phương còn yêu cầu doanh nghiệp phun hóa chất để tiêu diệt những con còn sót lại cũng như tôm con nếu có sinh sản.
Đợt tiêu hủy thứ hai là vào ngày 10/12/2016, tổng cộng có 14 con sống và 5 con chết, trong đó 7 con bắt được bên ngoài ao nuôi của doanh nghiệp.
“Tính từ ngày 16/12 đến nay đã không còn phát hiện thêm cá thể tôm hùm đỏ nào tại địa phương. Sau khi có báo cáo văn bản giải trình của tỉnh, Vụ sẽ có thêm thông tin cụ thể cho báo chí”, ông Cẩn cho biết thêm.
Cũng theo ông Cẩn, hiện, tôm hùm đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất nằm trong danh mục không được sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Chúng có tên khoa học là Procambarus clarkii, một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ. Đây là loại tôm ăn tạp, lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước.
Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm. Đây là loại tôm có khả năng gây nguy hại rất lớn đến ruộng đồng bởi đặc tính của loài này đào hang rất giỏi nên có thể sẽ phá hại hệ thống kênh mương, làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa.
Đặc biệt, loại tôm này mang theo các loại virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người. Tôm hùm đỏ được đánh giá còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
Vì nằm trong danh mục không được sản xuất kinh doanh ở Việt Nam nên việc công ty Sen Hoàng Giang do ông Trần Văn Hòa làm Giám đốc lén nuôi loại tôm này trong đất nông nghiệp thuê lại của bà con là không được phép. “Vì tôm hùm đỏ có thể bị phát tán ra ngoài đồng ruộng nên những biện pháp ngăn ngừa, kiểm tra tiếp tục là cần thiết, vụ Nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục chỉ đạo sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp để có những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn sự phát tán của loại con giống này. Đồng thời, sẽ yêu cầu địa phương có biện pháp tuyên truyền với bà con để bà con nắm rõ tác hại của loại tôm này đối với đồng ruộng, phối hợp cùng cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn những hành vi nuôi trồng các con giống có hại như vậy”, ông Cẩn chia sẻ.
Đ.Huệ