Vụ việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hoài Đức bị phát lộ, “người hùng” Hoàng Thị Nguyệt được dư luận ca ngợi và được khen thưởng. Tuy nhiên cũng có ý kiến trái chiều cho rằng, chị Nguyệt từng tham gia hành vi phạm tội cùng các bị can đã bị khởi tố.
Chị Hoàng Thị Nguyệt, người tố vụ nhân bản xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Người lao động
“Người hùng” ký vào xét nghiệm “nhân bản”
Vụ án tại BVĐK Hoài Đức bị khởi tố, hàng chục cán bộ, bác sỹ nhân viên đã gửi đơn đến cơ quan điều tra, cũng như báo chí tố ngược chị Nguyệt thường gợi ý bệnh nhân làm các xét nghiệm ngoài chỉ định của bác sỹ để thu tiền ngoài biên lai. Nên, lãnh đạo bệnh viện phân công chị Nguyệt làm xét nghiệm nội tiết để hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân. Bên cạnh đó, những người đứng đơn cho rằng, chị Nguyệt cũng chính là tác giả của hàng trăm bản xét nghiệm “nhân bản” của nhiều bệnh nhân khác nhau.
Nhận được đơn của những người tố cáo chị Nguyệt, ông Đoàn Thịnh Trường - Phó giám đốc BVĐK Hoài Đức, đã báo cáo sự việc lên Huyện ủy Hoài Đức vào ngày 9/8. Sau đó 1 ngày (10/8) ông Trường mời các đảng viên có tên trong đơn đến cơ quan, phân tích về nguyên tắc đảng viên không được ký đơn tố cáo tập thể.
“Trước cuộc họp này, các đảng viên đã xin rút lại đơn tố cáo, đến nay BV không còn giữ lá đơn tố cáo nào” - ông Trường nói. Về việc những đơn tố cáo trên đã được gửi đến các cơ quan chức năng thì thẩm quyền giải quyết thuộc các cơ quan này.
Tuy nhiên, những người tố cáo đã cung cấp các phiếu xét nghiệm của bệnh nhân được cho là có bàn tay chị Nguyệt “nhân bản” có trường hợp trùng các chỉ số xét nghiệm của bà Nguyễn Thị Mẩu (82 tuổi) bị viêm phổi, bà Lê Thị Xin (74 tuổi) bị suy tim độ 4 và 3 bệnh nhân trùng các chỉ số xét nghiệm là Nguyễn Danh Mơn (64 tuổi) bị đau thắt lưng cấp, Trần Thị Ba (62 tuổi) bị tọa cột sống, bệnh nhân tên Hường (38 tuổi), bị đau thần kinh, cùng nhập viện tháng 6/2012. Tất cả, phiếu kết quả xét nghiệm trên đều do bà Nguyệt ký xác nhận.
Cơ quan điều tra sẽ xem xét
Việc một số cán bộ BVĐK Hoài Đức tố cáo ngược đối với chị Hoàng Thị Nguyệt, ngày 20/8, trả lời báo chí tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội, Thiếu tướng Trần Thùy - Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết: ‘‘Cơ quan điều tra xác định 2 việc khác nhau. Chị Nguyệt tố cáo sai phạm, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Còn việc Chị bị tố cáo lại, CQĐT cũng sẽ xem xét. Chúng tôi cũng sẽ làm rõ chuyện họ tố cáo chị Nguyệt cụ thể, nhưng sẽ cân nhắc, xem xét để xử lý phù hợp”.
Trao đổi với báo chí, chị Nguyệt cho biết, chữ ký ở các phiếu kết quả xét nghiệm trên đúng là do chị ký nhưng thừa lệnh trưởng khoa xét nghiệm. Và không cho rằng mình đã “nhân bản” kết quả xét nghiệm.
“Sau khi các bạn phóng viên cho xem đơn tố cáo của 40 cán bộ y bác sỹ, mình đã ghi lại tên, tuổi của những người ký trong đơn… Nhiều bác sỹ, nhân viên, một vài y tá… do được giám đốc Liêm nâng đỡ nên đã nghe theo, ký đơn” – Chị Nguyệt cho hay
Về việc có tố cáo trước đó chị Nguyệt từng “nhân bản” kết quả sau đó bị điều chuyển công tác, chị Nguyệt biện bạch: “Trong tờ quyết định điều động và quyết định chuyển về diễn ra sau đó 1 tháng, không nêu rõ lý do điều động. Mình biết có cái phản đòn chính trị, mình biết điều đó…”.
Trước thông tin người dân phản ánh, trước đây khi làm ở khoa xét nghiệm, chị Nguyệt có nhiều hành vi khiến bệnh nhân không chấp nhận, bức xúc, chị Nguyệt nói: “Thực ra mình không thể làm hài lòng hàng nghìn bệnh nhân. Có thể họ không hiểu quy trình, mình làm đúng sẽ trả kết quả muộn hơn, còn họ làm sai sẽ trả nhanh, khiến dân họ hài lòng hơn”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tuần nào chị Nguyệt cũng họp giao ban với lãnh đạo khoa nhưng không hề phản ánh những sai phạm. Bất ngờ, chị Nguyệt lại gửi đơn đến cơ quan chức năng tố đồng nghiệp và lãnh đạo.
Trao đổi với phóng viên ngày 27/8, luật sư Nguyễn Văn Tú - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: "Nghề bác sĩ là cứu người, không được phép cố ý hại người. Ở vụ việc này dư luận đã bị dẫn đường đi quá xa. Bản chất vụ việc là không nghiêm trọng vì đến thời điểm hiện tại cơ quan điều tra chưa tìm thấy các kết quả xét nghiệm nhân bản được dùng vào điều trị mà chỉ dùng vào thanh toán bảo hiểm y tế với số tiền khoảng 60 triệu đồng cho tổng số phiếu được nhân bản. Các nhà hành luật đều cho rằng cần bình tâm xem xét sự việc từ nhiều phía, kiên nhẫn chờ đợi cơ quan chức năng công bố kết quả điều tra. Báo chí cung cấp thông tin một chiều là “tội” lớn về nghề. Người dân tiếp nhận thông tin một chiều là “lỗi” lớn về nhận thức. Ở đây, cả “tội” và “lỗi” này cần được xem xét thấu đáo. Hơn nữa, việc bà Nguyệt có dấu hiệu sai phạm cũng cần phải nhìn nhận triệt để. Cơ quan điều tra nên làm rõ những việc sau đây: Có phải là vì mâu thuẫn nội bộ? Có phải vì bà Nguyệt tố cáo người khác để “chạy tội” cho mình? Bà Nguyệt dũng cảm và giữ gìn y đức thực sự sau những việc sai phạm của bản thân? Sai phạm của bà Nguyệt bị xử lý ra sao trong khi các đồng nghiệp của bà có cùng hành vi lại bị khởi tố? Đó là những điều mà sau này cơ quan điều tra cần công bố trước công luận". |
Nguyệt Thương