Số tiền bồi thường giảm đáng kể
Trong phiên tòa xét xử vụ án Thao túng thị trường chứng khoán liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết và 49 người liên quan, có 2 số liệu được xác định lại và giảm đáng kể so với Cáo trạng quy kết trước đó là số người bị hại và số tiền khắc phục hậu quả.
Trước tiên, về số tiền khắc phục, cáo trạng xác định, ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn 3.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại phần tuyên án chiều ngày 5/8, HĐXX tuyên thiệt hại của 133 người đã mua và đang sở hữu cổ phiếu ROS ban đầu là hơn 2,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, các bị cáo có trách nhiệm bồi thường 1.783 tỷ đồng, đây là thiệt hại của người có quyền và nghĩa vụ liên quan (những người đang nắm giữ cổ phiếu ROS). Như vậy, theo phán quyết của HĐXX, số tiền bồi thường giảm gần 2.000 tỷ so với cáo trạng.
Trước đó, tại phần bào chữa, các luật sư bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, cần xác định lại số bị hại thực sự trong số hơn 30.000 nhà đầu tư.
Sau khi xem xét ý kiến, đại diện VKS khẳng định lại có hơn 25.000 người vì có những trường hợp trùng tên, mở nhiều tài khoản. Như vậy, số bị hại cũng giảm khoảng 5.000 người.
16 án treo, 4 người được trả tự do tại tòa
Trước đó, tại phần đề nghị mức án của đại diện VKS, thì 50 bị cáo trong vụ án đều chịu mức án tù. Trong đó, mức thấp nhất là 18-24 tháng tù và cao nhất là ông Trịnh Văn Quyết từ 24-26 năm tù.
Tại phần tuyên án, HĐXX nhận định, cần có sự phân hóa trách nhiệm với những người có vai trò thứ yếu, chỉ làm công ăn lương, không được bàn bạc, không được hưởng lợi nên cần áp dụng chính sách khoan hồng, không cần cách ly bị cáo khỏi xã hội.
Do đó, có tới 16 bị cáo được hưởng án treo (trong đó 4 trường hợp bị tạm giam trước đó được thả tự do ngay tại tòa).
HĐXX đánh giá, trong quá trình xét hỏi tại tòa, các bị cáo đều tỏ thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả, các bị cáo phạm tội lần đầu, có nhiều thành tích trong lao động, công tác.
Riêng bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) nhận được đơn đề nghị giảm án từ địa phương xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vì có nhiều thành tích trong công tác từ thiện, phát triển kinh tế địa phương.
Ông Trịnh Văn Quyết cũng có nhiều thành tích trong việc phát triển kinh tế ở nhiều nhiều vùng khó khăn và địa phương khác, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, do đó cũng nhận được đơn xin giảm án từ nhiều cá nhân, địa phương khác…
Bởi vậy, các bị cáo đều nhận mức án thấp hơn đề nghị của VKS, trong đó ông Trịnh Văn Quyết nhận tổng mức án 21 năm.
Cơ sở xác định chỉ khống hơn 5.000 đồng/cổ phiếu
HĐXX định Công ty Faros có gần 1.200 tỷ đồng và vốn thực góp. Sau khi phát hành 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán HoSE, Faros có thêm hai lần tăng vốn (lần 6 và 7) dẫn đến số vốn điều lệ cuối cùng là hơn 5.675 tỷ đồng.
Cả 2 lần tăng vốn này đều dưới hình thức phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ để chi trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu, và là hệ quả tiếp theo của 5 lần nâng khống vốn trước đó.
Số tiền tăng vốn lần 6 và 7 không được tính là nâng khống nên sau lần tăng vốn thứ 7, số vốn thật của Faros là 2.573 tỷ đồng, vốn khống là 3.102 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ lệ vốn khống trên tổng vốn điều lệ là 54,66%. Mỗi cổ phiếu giá 10.000 đồng, thì các bị cáo phải bồi thường số tiền tương đương 5.466 đồng/cổ phiếu. Đây cũng chính là căn cứ HĐXX xác định lại số tiền thiệt hại hơn 1.700 tỷ đồng mà ông Quyết phải bồi thường nêu trên.
Liên quan đến việc xác định Trách nhiệm dân sự trong vụ án, LS Vũ Đặng Hải Yến cho biết: "Bán án rất nhân văn, đã đảm bảo quyền lợi cho bị hại, người có liên quan trong vụ án. Bản án cũng đảm bảo khả năng thực hiện của các bị cáo cũng như đảm bảo cho các doanh nghiệp liên quan có thể hoạt động bình thường, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và nhà đầu tư".