Vụ pháo kích gần đây vào một cứ điểm quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib, Syria có thể nhằm mục đích gây sức ép, buộc Ankara phải rút quân khỏi khu vực và không rút lại thỏa thuận S-400 vì áp lực của Mỹ, các nhà phân tích nói với Tân Hoa Xã.
Tuần trước, một người lính Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng cùng với ba người khác bị thương trong vụ pháo kích nhằm vào một trạm quan sát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực giảm leo thang ở Idlib.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng cuộc tấn công là có chủ ý, đổ lỗi cho lực lượng Chính phủ Syria và cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã trả đũa lại một cách mạnh mẽ.
Cuộc khủng hoảng Idlib đang có nguy cơ biến thành một trong những rắc rối lớn nhất giữa Ankara và Moscow, hai đối tác ở Syria kể từ giữa năm 2016.
"Không thể tưởng tượng được cuộc tấn công này được thực hiện mà không có sự đồng ý của Moscow", Ali Er, một cựu tướng quân đội nói với Tân Hoa Xã.
"Thổ Nhĩ Kỳ nên áp dụng chính sách mới ở Syria và ngồi vào bàn đàm phán với Nga và Syria", theo Haldun Solmazturk, một cựu tướng quân đội khác, nói. Theo ý kiến của ông, tình hình ngày càng nguy hiểm hơn đối với Ankara.
"Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây có thể gây áp lực buộc phiến quân ở Idlib phải hạ vũ khí", chuyên gia Hasan Koni tại Đại học Istanbul Kultur nhận xét, mặc dù ông lưu ý rằng Ankara có thể khó chấp nhận thay đổi chính sách như vậy.
Nga từ lâu đã phàn nàn về các cuộc tấn công của khủng bố nhằm vào căn cứ không quân H'Mimmim và các vị trí của quân đội Syria, nhấn mạnh rằng mối đe dọa khủng bố cần phải được loại bỏ.
Những nỗ lực của Ankara nhằm ngăn chặn phiến quân theo thỏa thuận đạt được với Moscow hồi tháng 9 năm ngoái được cho là đã thất bại.
Hầu như toàn bộ Idlib hiện nay đều nằm dưới sự kiểm soát của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhóm thánh chiến liên kết với al-Qaida.
Thông điệp của Moscow
Vụ tấn công mới nhất vào tiền đồn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ngay trước khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp hai người đồng cấp Nga và Mỹ, bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản.
Giới phân tích cho rằng, cuộc tấn công này có thể được coi là thông điệp của Moscow gửi cho Ankara, mặc dù điều này vẫn còn gây tranh cãi.
"Thông điệp của Nga gửi tới Ankara là: Bạn đã thất bại trong việc thực hiện vai trò của mình, vì vậy hãy bước sang một bên và để chúng tôi giải quyết vấn đề ở Idlib", chuyên gia Koni nói.
Cùng với đó, Moscow đang cảnh báo Ankara không nên vì áp lực từ Washington mà từ bỏ thỏa thuận tên lửa S-400. "Nếu không chúng tôi sẽ khiến bạn gặp rắc rối ở Syria là thông điệp của Moscow", tướng Er nói.
Bất chấp lời đe dọa trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ nhận được lô hàng đầu tiên trong thương vụ hệ thống phòng không tối tân S-400 từ Nga vào giữa tháng 7.
Moscow thấy rằng họ có thể tạo ra các vấn đề trong NATO vì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị coi là một đối tác không đáng tin cậy trong khối nếu họ mua S-400, Er nhận xét.
Tuy nhiên, tướng Solmazturk không nghĩ rằng cuộc tấn công vào trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ có bất kỳ thông điệp cụ thể nào cũng như động thái này có chủ đích từ đầu.
"Các thành viên phiến quân khác nhau ở xung quanh đó, vì vậy bất kỳ cuộc pháo kích nào nhắm vào những phiến quân này có thể đã đánh nhầm vào trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói.
"HTS muốn lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột vũ trang với Syria", chuyên gia này nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 trạm quan sát quân sự xung quanh Idlib theo thỏa thuận được ký kết vào năm 2017 với Nga và Iran.
Đã có những dấu hiệu gần đây cho thấy áp lực lên Ankara đang gia tăng, buộc nước này chuyển sự tiếp quản Idlib sang quân đội Syria do Nga hậu thuẫn.
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem gần đây đã lên tiếng hy vọng rằng quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đụng độ. Mô tả Thổ Nhĩ Kỳ là "một lực lượng chiếm đóng" ở Syria, ông cũng nói rằng, Ankara đang ủng hộ các nhóm khủng bố mà Damascus và Moscow đang chống lại.
Ngoại trưởng Al-Moualem cũng cho biết Damascus đang kỳ vọng rằng hoạt động liên tục của quân đội Syria chống lại phiến quân sẽ dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân đội khỏi Idlib.
"Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập quyền kiểm soát trong tầm tay". "Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không thể duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria lâu dài dưới bức tranh toàn cầu hiện tại ngay cả khi có sự hỗ trợ của Washington”, chuyên gia Solmazturk nói.