Vụ việc một cô giáo của trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phạt học sinh 231 cái tát đang khiến dư luận phản ứng gay gắt. Nhiều người tỏ ý kiến phẫn nộ, bức xúc trước việc giáo viên này yêu cầu các học sinh trong lớp 6 tát bạn khiến nạn nhân phải nhập viện.
Xung quanh vụ việc này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội - PGS.TS Hoàng Văn Cường để có những góc nhìn đa chiều hơn.
Thưa PGS, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là một nhà giáo, khi nghe thông tin về vụ việc cô giáo phạt một học sinh lớp 6 nhận 231 cái tát thì cảm xúc của ông như thế nào?
Điều đầu tiên khi tôi nghe thông tin về sự việc khi một học sinh có hành vi nói tục mà cô giáo lại xử phạt bằng cách yêu cầu các học sinh khác trong lớp tát em học sinh này thì quả thật tôi đã cảm thấy sốc.
Sốc là bởi vì, tôi không thể nghĩ rằng lại có việc dùng bạo lực như thế để giáo dục một hành vi không đúng. Điều đó là phản giáo dục. Khi học sinh có hành vi không đúng thì cô giáo lại đi dùng một hành vi không đúng nữa (tức là dùng bạo lực) để dạy dỗ, xử lý học sinh, điều đó không thể được.
Việc giáo viên yêu cầu các học sinh trong lớp tát bạn học thì đó là hành vi sai trái, nó không khác gì việc bạn kia nói bậy hay làm chuyện xấu. Vậy tại sao giáo viên lại đi dạy cho các em khác làm chuyện xấu đó?
Ngoài ra, trong ngành giáo dục hiện nay, vẫn luôn nói về chuyện người thầy phải dùng các hình thức để răn dạy, chứ không phải là trừng phạt.
Ngày xưa, nếu học sinh không đúng thì người thầy cũng có thể dùng hình thức trừng phạt, ví dụ như học sinh viết chữ xấu hay không học bài thì người thầy có thể dùng thước gõ vào tay hoặc phạt đứng góc lớp. Đó là quan điểm giáo dục trước đây.
Còn quan điểm giáo dục hiện nay thì không thể dùng bạo lực để mà giáo dục, dạy học. Vì thế dẫn đến chuyện người ta khó chấp nhận hoặc không thể chấp nhận hành vi của cô giáo ở Quảng Bình phạt học sinh 231 cái tát.
Tôi không hiểu cô giáo này từ trước đến nay đã có cách hành xử phi giáo dục tương tự như vậy hay chưa? Hay là tại một thời điểm nào đó cô ấy gặp phải chuyện gì tác động không tốt đến tâm lý?
Một số học sinh phản ánh, trước đó cũng đã có những trường hợp bị cô giáo này phạt với hình thức tương tự. PGS nhìn nhận như thế nào về cách trừng phạt học sinh như vậy?
Nếu như trong một bối cảnh nào đó làm cho cô giáo này bị hoảng loạn, bị tác động tâm lý không tốt thì cách cô yêu cầu các học sinh tát bạn cũng đã không chấp nhận được, tuy nhiên, tình huống đó còn có thể giải thích lý do.
Còn nếu như trước đó từng xảy ra trường hợp tương tự và cô giáo này coi đây là hành động có ý thức, có chủ đích, là cách dạy dỗ học sinh của mình thì càng không thể chấp nhận một giáo viên như thế. Không thể có một giáo viên như vậy tồn tại trong nhà trường.
Về việc lãnh đạo nhà trường đề nghị báo chí không đưa tin với lý do trường sắp được công nhận danh hiệu đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. Có ý kiến cho rằng, “căn bệnh thành tích” đang khiến một số đơn vị giáo dục cố ý “che” đi những khiếm khuyết của trường mình. PGS có đồng tình với quan điểm trên hay không?
Ý mà lãnh đạo nhà trường đề nghị báo chí không nên đưa tin, tôi cho rằng có 2 khía cạnh cần nhìn nhận. Thứ nhất, sự việc này là hình ảnh quá xấu về nhà trường, quá xấu về người thầy. Không chỉ xấu cho cá nhân cô giáo đấy mà nhìn rộng ra nó còn xấu cả về hình ảnh, danh dự của nhà giáo nói dung và xấu cho cả ngôi trường đó.
Tôi nghĩ rằng, với một hành vi xấu như thế thì không ai muốn đưa ra lan truyền trong xã hội. Nếu nhìn ở góc độ đó thì cách ứng xử của lãnh đạo nhà trường cũng là dễ hiểu, tức là những cái gì xấu thì không để cho nó lan rộng ra, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, đến môi trường giáo dục…
Nhưng, việc không tuyên truyền lan rộng ra không có nghĩa là bao che, giấu giếm và không xử lý. Hai việc này hoàn toàn khác nhau. Bởi vì, với một hành vi phi giáo dục như thế thì nhất thiết phải xử lý nghiêm, trong nội bộ phải nhìn thẳng vào vấn đề, xử lý đến nơi đến chốn. Đối với riêng trường đó thì tôi nghĩ cần phải tuyên truyền đến từng giáo viên để nhận thức được việc đó, nhằm điều chỉnh hành vi của những giáo viên khác. Chứ không phải không tuyên truyền có nghĩa là bỏ qua.
Còn ở khía cạnh thứ hai, nếu lý do lãnh đạo nhà trường đưa ra là trường sắp đạt chuẩn quốc gia mức độ II để đề nghị không đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng thì lại không được. Một đội ngũ giáo viên với cách hành xử bạo lực như thế thì không thể gọi là trường đạt chuẩn được.
Mỗi khi có sự việc giáo viên hành xử bạo lực với học sinh xảy ra thì dư luận đều có những phản ứng gay gắt và các giáo viên vi phạm đều bị xử lý như bị kỷ luật, cho thôi việc hoặc bị truy tố. Vậy đó có phải là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề giáo viên dùng bạo lực với học sinh? Và theo Đại biểu, cần có thêm biên pháp gì để môi trường giáo dục lành mạnh hơn?
Việc xử lý kỷ luật các giáo viên vi phạm thì đương nhiên phải làm, nó sẽ là bài học cho các giáo viên khác. Đó là chuyện xử lý trước mắt.
Tuy nhiên, chuyện quan trọng hơn và cái gốc phải là làm tốt việc ngăn ngừa các trường hợp vi phạm xảy ra. Phải thường xuyên bồi dưỡng về tiêu chuẩn tư cách đạo đức, tác phong nghề nghiệp của giáo viên. Vấn đề này là vấn đề cốt lõi.
Muốn như vậy thì việc bồi dưỡng tư cách, đạo đức phải đưa ngay từ quá trình đạo tạo một người giáo viên tương lại. Phải đào tạo về tố chất, tư cách đạo đức của người thầy. Nội dung này rất quan trọng trong tiêu chuẩn hành nghề nhà giáo.
Đồng thời, trong chương trình bồi dưỡng hàng năm để một phần cập nhật kiến thức mới, nâng cao chuyên môn của giáo viên, nhưng cũng là một dịp để giáo viên tự nhìn nhận đánh giá lại quá trình hoạt động công tác của mình.
Tôi cho rằng, việc bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện đối với giáo viên phải được thực hiện thường xuyên. Người thầy phải là một tấm gương. Không chỉ là kiến thức chuyên môn tốt mà tấm gương đó phải mẫu mực trong hành vi ứng xử.
Xin trân trọng cảm ơn ông!