Liên quan đến vụ việc ông Võ Hòa Thuận cùng một nhóm phụ huynh tới trường Tiểu học Bình Chánh lớn tiếng phản ánh cách giáo dục của cô giáo N. vượt quá chuẩn mực sư phạm. Biết mình sai, cô đã nhận lỗi và hứa khắc phục sai sót. Tuy nhiên do bị các phụ huynh làm áp lực, cô N. phải quỳ trước sự chứng kiến của nhiều giáo viên.
Ngày 9/3, Đảng ủy xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An) đã biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín với kết quả khai trừ Đảng đối với ông Võ Hòa Thuận, phụ huynh gây ra vụ việc này.
Ông Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, nếu như bên tổ chức Đảng, nơi ông Thuận đang sinh hoạt Đảng đề nghị xem xét việc thi hết tập sự của ông này thì Đoàn Luật sư TP.HCM sẽ vào cuộc. Nghĩa là hội đồng khen thưởng kỉ luật của Đoàn Luật sư TP.HCM sẽ xem xét kỉ luật dựa trên cơ sở nhận được đơn của một tổ chức, cá nhân nào đó, ngoại trừ việc hành vi đó xuất phát trong quá trình hành nghề.
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM nhấn mạnh thêm, thông thường nếu đã đưa ra hội đồng kỉ luật mà trước đó đã bị khai trừ khỏi Đảng rồi thì không được làm luật sư nữa. Nếu tổ chức Đảng nơi ông Thuận đang sinh hoạt có đơn kiến nghị thì Đoàn Luật sư TP.HCM sẽ xem xét việc có nên cho ông Thuận thi mãn hạn tập sự nữa hay không.
Dư luận đang thắc mắc, liệu hành vi của ông Thuận có cấu thành tội Làm nhục người khác. Các chuyên gia pháp lý đang có những ý kiến rất trái chiều.
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi của ông Thuận chưa đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác do vị phụ huynh này không có hành vi dùng vũ lực, không lăng mạ, chửi bới cô giáo và chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Một số quan điểm khác lại cho rằng, vị phụ huynh kia ép cô giáo quỳ thì mới bỏ qua chuyện. Ép cô giáo quỳ gối nhận lỗi trong hơn 40 phút, trước mặt đồng nghiệp, đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của công dân. Trong trường hợp này, cô giáo đã bị sỉ nhục, hạ nhục ở chỗ đông người. Rất có thể đây là cú sang chấn tâm lý, cú sốc nghề nghiệp không chỉ của riêng bản thân cô. Điều này còn dẫn đến nhiều hệ lụy xấu sau đó. Đây là những dấu hiệu hết sức rõ ràng của tội làm nhục người khác.
Đồng quan điểm về vụ việc này, luật gia Nguyễn Phong cho rằng, việc cô giáo bị phụ huynh dùng sức ép để bắt quỳ gối 40 phút là khó có thể chấp nhận được. Mặc dù cô giáo đã lên tiếng xin lỗi và đã nhận thức được việc mình phạt học sinh quỳ là chưa đúng.
Ở đây, vị phụ huynh kia đã “giận quá mất khôn” khi hành xử “có ít văn hóa” trong một môi trường, bối cảnh mà cần phải thể hiện sự “có văn hóa” không chỉ của mình mà cả những người khác.
“Tôi nghĩ vị phụ huynh kia có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác, nhưng để có kết luận cuối cùng thì phải nhờ đến cơ quan điều tra vì mình nhìn thấy vậy, nghe thấy vậy nhưng nhiều khi chưa chắc đã vậy. Và ở đây nó còn liên quan đến hai con người. Nếu giáo viên, nhà trường muốn làm rõ ràng mọi chuyện thì cần có đơn gửi cơ quan công an. Ai sai đến đâu phải chịu trách nhiệm về việc mình làm sai đến đó”, luật gia Phong chia sẻ.
Theo luật gia Phong, nếu cho rằng vị phụ huynh kia có dấu hiệu của tội làm nhục người khác, cô giáo hoặc người đại diện hợp pháp của cô giáo có thể gửi đơn yêu cầu khởi tố đến cơ quan công an. Căn cứ vào kết quả điều tra xác minh, cơ quan công an sẽ có những bước tiến hành tố tụng tiếp theo.
Cũng theo luật gia Phong, Điều 105 BLTTHS quy định 11 tội danh chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại, trong đó không có tội danh Làm nhục người khác. Chiểu theo quy định hiện hành, nếu xác định có dấu hiệu của tội phạm cơ quan điều tra sẽ tiến hành các bước xác minh điều tra theo luật định."Có nghĩa cơ quan điều tra không cần đơn của bị hại để khởi tố. Trách nhiệm này là của cơ quan điều tra" luật gia Phong chia sẻ thêm.