Nguyên nhân hoãn tòa là do vắng mặt các bên giám định, thẩm định giá, các bên đòi bồi thường thiệt hại, bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan,… Sự vắng mặt trên khiến nhiều tình tiết của vụ án không được làm rõ.
Liên quan đến vụ án nghiêm trọng này, Phan Thế Thượng (63 tuổi), chủ tàu kéo bị xét xử với tội danh Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn và Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy. Trong khi đó, tài công Trần Văn Giang (36 tuổi) bị đưa ra xét xử về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
Theo điều tra, ông Thượng là chủ tàu kéo số hiệu SG37745. Ông này đã giao cho Giang điều khiển tàu kéo nói trên kéo theo sà lan số hiệu SG5984, chở hơn 800 tấn cát đi từ miền Tây lên tỉnh Đồng Nai. Trưa 20/3/2016, khi đến đến đoạn Km 37+720, ngay chân cầu Ghềnh (sông Đồng Nai), do gặp phải dòng nước xoáy, Giang không điều khiển được tàu đã để cho đầu kéo và sà lan đâm vào trụ cầu gây sập cầu Ghềnh.
Trong khi đó, Giang không có giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và tàu kéo sà lan được xác định là đã hết hạn kiểm định. Luật sư của các bị cáo còn cho rằng, đơn vị quản lý cầu Ghềnh thuộc ngành giao thông vận tải phải bị xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Các đơn vị quản lý cầu Ghềnh đã thiếu trách nhiệm khi để cầu Ghềnh không có trụ chống va. Trong khi đó, từ nguyên thủy cầu này có trụ chống va và theo nguyên tắc cần phải có để đảm bảo an toàn giao thông. Các luật sư cũng đề nghị xem xét thay thế biện pháp ngăn chặn đối với các bị cáo vì thời hạn tạm giam đã hết (hơn 2 năm).
Trước đó, phiên tòa được tổ chức nhưng sau đó tạm hoãn vào giữa tháng 11/2017.