Chiều 11/12, HĐXX TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xử vụ án công ty Khải Thái lừa đảo.
Bị cáo đầu vụ được xác định là Hsu Minh Jung (tức Saga, SN 1975, người Đài Loan) – nguyên Tổng giám đốc công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái.
Cùng với Saga là 6 đồng phạm (người Việt Nam, đa phần là nhân viên) bao gồm: Phan Kiện Trung (SN 1984, trú tại phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội); Nguyễn Mạnh Linh (SN 1987, trú tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nguyên GĐ công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái); Đoàn Thị Luyến (SN 1987, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên GĐ phụ trách chi nhánh Charmvit, công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái); Tăng Hải Nam (SN 1975, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, nguyên GĐ phụ trách chi nhánh Lotte, công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái); Đinh Thị Hồng Vinh (SN 1985, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên GĐ phụ trách CN Plaschem công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái); Trịnh Hoàng Bình (SN 1975, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên Kế toán trưởng công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái).
Ngay sau phần công bố cáo trạng của VKS, HĐXX bước vào phần xét hỏi. Bị cáo Hsu Minh Jung (tức Saga) bước vào trả lời thẩm vấn đầu tiên. Theo Saga, công ty Khải Thái có 3 chi nhánh, 18 phòng kinh doanh. Mọi hoạt động của công ty đều do Saga chỉ đạo.
Để khách hàng tin tưởng gửi tiền vào công ty Khải Thái, Saga đã tự tạo ra các thông tin về hoạt động của công ty như kinh doanh vàng tài khoản tại Hồng Kông, Quảng Châu, kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh về khách sạn, ô tô… cùng mức lãi suất "hậu hĩnh" khách hàng được nhận khi đầu tư vào Khải Thái dao động từ 3–3,5%/tháng.
Chưa hết, Saga cũng đưa ra nhiều chính sách đối với khách hàng và nhân viên với nhiều ưu đãi hấp dẫn, trả lương cao để nhân viên kinh doanh huy động được nhiều đầu tư của khách hàng vào công ty.
Đối với một bị cáo đồng phạm trong vụ án, từng là “thuộc cấp” của Saga lại khai không biết kinh doanh vàng qua tài khoản là trái pháp luật, các bị cáo chỉ làm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đáng chú ý là trường hợp của bị cáo Nguyễn Mạnh Linh. Tại tòa, bị cáo Linh khai nhận bản thân không hề có trình độ chuyên môn gì về kinh doanh nhưng được Saga cho “ngồi” vào vị trí Giám đốc công ty Khải Thái.
Tuy nhiên, công việc duy nhất của Linh là ký khống hoặc ký hợp lý hóa các chứng từ, hợp đồng ủy thác, phụ lục hợp đồng, hợp đồng thanh lý, phiếu thu, phiếu chi… Bản thân Linh cũng nhận thức được mình chỉ là giám đốc “thuê” và nhận thức được việc ký khống vào các giấy tờ trên là vi phạm pháp luật.
Trên thực tế, công ty Khải Thái không hề có hoạt động kinh doanh như đã đăng ký, hoạt động chủ yếu của công ty là tư vấn, lôi kéo nhà đầu tư gửi tiền vào Khải Thái. Các bị cáo từng là “thuộc cấp” của Saga đều được hưởng lương, thưởng cao “ngất ngưởng”.
Căn cứ vào hồ sơ và lời khai của các bị cáo, tùy thuộc vào hiệu quả kinh doanh, tiền lương bị cáo Nguyễn Mạnh Linh được nhận dao động từ 8–25 triệu đồng/tháng; Phan Kiện Trung hưởng lương từ 16–336 triệu/tháng; Đoàn Thị Luyến hưởng lương từ 3,5-130 triệu đồng/tháng hay như bị cáo Tăng Hải Nam có tháng được nhận lương cao nhất lên tới 560 triệu đồng/tháng.
Ngày mai, vụ án tiếp tục được đưa ra xét xử.
Tư Viễn