Để làm rõ thông tin liên quan đến việc hàng chục học sinh sáng học lớp 5, chiều phải phụ đạo lại lớp 1 tại trường L.M.C.N (Củ Chi, TP.HCM), PV đã liên lạc với ông Trần Văn Toản, Phó phòng Giáo dục huyện Củ Chi. Ông Toản cho biết, Phòng vừa làm việc với trường về vấn đề này.
Qua tìm hiểu, xác minh, Phòng Giáo dục được biết, chuyện xảy ra tại trường tiểu học L.M.C.N (xã Tân An Hội). Việc phụ đạo đối với một số học sinh lớp 5 có thể hiểu như sau: Sau một thời gian dạy học, căn cứ vào kết quả học tập của học sinh, giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch phụ đạo với các em học sinh yếu theo chỉ đạo chung của ngành.
Cụ thể, trong năm học 2016 – 2017, đối với khối lớp 5 của trường tiểu học L.M.C.N có 21 em (tỷ lệ 13,9%) ở 4 lớp cần được phụ đạo những kiến thức, kỹ năng các em còn yếu so với chuẩn qui định. Trong số 21 học sinh này, có 4 em có giấy xác nhận chậm phát triển trí tuệ của UBND xã Tân An Hội từ năm 2013. Các em này, đọc viết hay tính toán còn khó khăn, cá biệt có 2 em cộng trừ chưa thành thạo trong phạm vi 20.
Số học sinh còn lại đọc và tính toán chậm hơn so với học sinh trong lớp, thậm chí một số em còn viết sai lỗi chính tả trong một bài viết hay kỹ năng làm bài Tập làm văn còn yếu.
Do đó, theo ông Toản, các giáo viên chủ nhiệm phải xây dựng kế hoạch phụ đạo thêm cho các em về kỹ năng tính toán hay môn Chính tả và Tập làm văn. Qua sự việc trên, Phòng GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo rút kinh nghiệm đối với tất cả Hiệu trưởng trong việc chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Ông Toản cũng nhấn mạnh, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng như phụ đạo đối với những kiến thức, kỹ năng mà học sinh còn yếu so với chuẩn quy định.
Trao đổi với PV, cô Nguyễn Thị Th., giáo viên một trường tiểu học tại TP.HCM khẳng định: “Chuyện học sinh yếu kém, có lẽ trường nào cũng có. Vấn đề quan trọng là nhà trường phụ đạo như thế nào để học sinh có thể nắm bắt kịp kiến thức. Nhìn vào thành tích cuối năm, chuyện 100% lớp học có học sinh khá giỏi tại TPHCM ở bậc tiểu học là bình thường. Do đó, khi phát hiện học sinh yếu kém như trường tiểu học này, tôi cho rằng nhà trường cần có kế hoạch phụ đạo riêng cho từng em để có kết quả tốt”.
Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, việc học sinh khối lớp 5 đang học cùng các bạn buổi sáng nhưng buổi chiều học phụ đạo với học sinh lớp 1 có thể làm tổn thương tâm lý các em. Các em dễ xảy ra tâm lý tự ti, mặc cảm khiến cho kết quả học tập có thể giảm sút. Nhà trường nên có kế hoạch phụ đạo khoa học, không ảnh hưởng đến các em.
Cùng thời gian trên, chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Củ Chi cho biết: “Chuyện xảy ra ở trường tiểu học L.M.C.N, lãnh đạo Phòng đã trực tiếp tới trường làm việc. Tới đây, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể lên Sở để có kế hoạch phụ đạo riêng cho các em”.
Cũng thông tin với PV, một cán bộ thuộc Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM khẳng định, nếu nhà trường đã cố gắng phụ đạo cho những em học sinh yếu kém nhưng vẫn không có kết quả, Sở sẽ cử cán bộ hỗ trợ thêm để cho các em có kiến thức theo kịp chương trình. Từ đó, chất lượng học tập của các em sẽ tốt hơn.
Hương Sen - Vi Hậu