Vụ sập cầu Long Kiển: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”!

Vụ sập cầu Long Kiển: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”!

Dương Thị Hạnh

Dương Thị Hạnh

Thứ 3, 23/01/2018 06:52

Vụ sập cầu Long Kiển do xe quá tải chạy qua, dù không gây thiệt hại về người, nhưng cũng khiến hàng loạt hộ dân mất điện, thiếu nước. Điều đáng nói, cây cầu này vốn đã hư hỏng, xuống cấp nhiều năm, từng bị người dân nhiều lần phản ánh mà không được gia cố hay thay thế.

“May” cầu sập...  sớm 30 phút

Ngày 22/1, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cùng cơ quan chức năng vẫn đang làm việc để khắc phục sự cố sập cầu Long Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) tối 19/1. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc sở GTVT TP.HCM cho biết, cơ quan chức năng vẫn đang túc trực tại cầu để sửa ống nước và cáp điện. Cầu Long Kiển bị sập đã làm đứt đường truyền nước sạch và cáp điện của hàng loạt hộ dân ở xã bên kia cầu khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Việc cầu Long Kiển bị sập đã khiến giao thông qua khu vực này gặp nhiều khó khăn, người dân tại khu vực trên phải di chuyển quãng đường xa hơn 10km để qua lại 2 xã Phước Kiểng và Nhơn Đức.

Anh Phạm Toàn Nhân, chủ quán tạp hóa gần khu vực xảy ra vụ sập cầu kể lại: “Lúc đó, tôi nghe tiếng động lớn. Khi chạy ra, thấy cây cầu bị xé toạc, sập hẳn một bên. Trên cầu còn một chiếc xe máy bị kẹt. Chúng tôi báo sự việc lên cơ quan chức năng”. Cũng theo anh Nhân, cầu Long Kiển có mật độ phương tiện lưu thông và người dân đi qua mỗi ngày rất cao. Rất may, thời điểm trên vắng người qua lại. Nếu muộn 30 phút nữa, nhiều công nhân làm việc gần đó bắt đầu tan ca và lưu thông qua đây thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Xã hội - Vụ sập cầu Long Kiển:  “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”!

Hiện trường vụ sập cầu Long Kiển tại huyện Nhà Bè.

Theo tìm hiểu của PV, cầu Long Kiển được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nối 2 xã Phước Kiểng với xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè). Trước đây, vào tháng 9/2015, cầu từng bị sà lan tông gãy một lần. Cầu chỉ chịu được trọng tải 3,5 tấn, tuy nhiên, xe tải chở đá của anh Lâm hơn 30 tấn (khối lượng xe 12,5 tấn) chạy qua cầu. Anh Nguyễn Thanh Lâm (SN 1988, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chủ tài xế xe tải) cho biết: “Lúc đó trời tối, tôi không nhìn thấy biển hiệu chỉ 3,5 tấn. Hơn thế, lại bị lạc đường nên tôi đã chạy xe qua cầu và xảy ra sự cố. Tôi leo qua cửa sổ xe thoát thân và bị rơi xuống sông”.

“Không ngạc nhiên”

Liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông, giảng viên trường ĐH GTVT TP.HCM cho biết: “Thực ra, tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi cầu Long Kiển bị sập. Bởi, người dân đã báo động việc cầu Long Kiển xuống cấp, hư hỏng từ lâu. Trước đây, khoảng 10 năm, chính quyền địa phương đã có dự án xây dựng lại cầu nhưng vẫn không thực hiện được. Nó không sập lúc này thì sẽ bị sập lúc khác. Ngoài cầu Long Kiển ra, trên trục đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè còn có 3 cây cầu sắt khác là Rạch Đỉa, Rạch Tôm, Rạch Rơi cũng đã hư hỏng, xuống cấp cần được xây dựng. Nếu không xây dựng lại sẽ bị sập lúc nào không hay”.

Cũng theo TS.Phạm Sanh: “Theo cá nhân tôi, liên quan đến vụ cầu Long Kiển bị sập, ngoài lỗi lớn thuộc về tài xế Nguyễn Thanh Lâm chở quá trọng tải ra còn phải quy trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm sở GTVT TP.HCM ở đâu?

Xã hội - Vụ sập cầu Long Kiển:  “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”! (Hình 2).

Chuyên gia giao thông TS Phạm Sanh.

“Trước đây, sở GTVT TP.HCM nói sẽ xây dựng cầu. Tuy nhiên, chiếc cầu xuống cấp, gắn liền với đường điện, nước có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân lại “ngâm” tới hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện với lý do không đủ vốn, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, chiếc cầu qua đảo Kim Cương (quận 2 – khu đất mới chưa cần thiết) lại làm rất nhanh. Ngoài ra, nếu chưa xây cầu mới được, chính quyền cũng nên dựng trạm canh gác. Không nên để biển báo giới hạn trọng tải 3,5 tấn mà phải cấm xe tải và dựng ngay gác chắn ngang để cấm xe tải đi qua. Bởi, bản thân xe tải nhỏ cũng nặng hơn 3 tấn rồi, đó là chưa kể trọng lượng hàng và người”, TS.Phạm Sanh nói.

Trước những bức xúc của người dân và giới chuyên gia, ông Bùi Xuân Cường Giám đốc sở GTVT TP.HCM cho biết: “Trong nhiều năm qua, cầu Long Kiển đều có người trực gác 24/24h ở 2 đầu cầu nhưng vẫn có tình trạng xe quá tải trọng cố tình lưu thông. Lúc xảy ra tai nạn, nhân viên trực đã phát hiện xe tải có nghi vấn quá tải trọng, chưa kịp chạy ra can thiệp thì xe đã lưu thông qua cầu, dẫn đến sự cố sập nhịp”.

 “Dự án xây dựng mới cầu Long Kiển đã có chủ trương và được phê duyệt từ năm 2001. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa khởi công do gặp khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Năm 2014, UBND TP.HCM tiếp tục bố trí vốn để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai dự án”, ông Cường thông tin.

Về phương án khắc phục sự cố sập cầu Long Kiển, theo ông Cường, sau khi các đơn vị công an hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường sẽ giao lại hiện trạng cầu cho sở GTVT TP.HCM xử lý tiếp. Sở sẽ giao khu Quản lý giao thông đô thị số 04 phối hợp cùng công ty cổ phần UTC2 khảo sát hiện trường, khẩn trương đánh giá, đề xuất phương án khắc phục. Sở cũng đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM cho phép triển khai thi công, sửa chữa cầu, đảm bảo thông xe trước Tết Nguyên đán.

“Dự kiến, các công trình này được chính quyền TP.HCM kêu gọi đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Dự án xây dựng cầu Long Kiển mới sẽ do khu Quản lý giao thông đô thị số 04 làm chủ đầu tư, được UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 20/1/2007. Quy mô cầu Long Kiển mới dài 318m, rộng 15m, khổ thông thuyền 5x30m, tổng mức đầu tư lên đến 557 tỷ đồng. Dự kiến dự án cầu Long Kiển mới sẽ khởi công vào quý 2 năm 2018, hoàn thành sau 18 tháng. Hiện, dự án đang triển khai công tác đấu thầu, chờ UBND huyện Nhà Bè bồi thường giải phóng mặt bằng”, ông Cường cho biết.

Khoảng 21h40 ngày 19/1, cầu Long Kiển bất ngờ bị sập khiến cho người dân sống xung quanh cầu vô cùng lo sợ. Nguyên nhân ban đầu được xác định do một chiếc xe tải biển số 60C-289.99 do tài xế Nguyễn Thanh Lâm (SN 1988, ngụ tỉnh Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) điều khiển chở đá xây dựng hơn 30 tấn lưu thông trên cầu, hướng từ huyện Nhà Bè (TP.HCM) về huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Khi tài xế chạy xe đến khu vực nhịp cầu thông thuyền thì xảy ra sự cố nhịp cầu bị sập. Sau sự việc, tài xế và xe tải bị rơi xuống sông. Lúc này, tài xế và lái phụ nhanh chân mở cửa xe nhảy xuống sông, kịp bơi vào bờ còn xe tải và đá chìm xuống nước. Rất may, sự cố xảy ra vào ban đêm nên người đi lại ít. Chỉ có anh Đinh Hoàng Lực (35 tuổi, ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) chạy xe máy biển số 63U1-0105 đến đầu cầu, thấy cầu rung nên bỏ xe máy chạy vào bờ.

TP.HCM có gần 30 cây cầu nguy cơ sập

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc sở GTVT TP.HCM cho biết: “Qua khảo sát toàn TP.HCM hiện có gần 30 công trình cầu yếu và xuống cấp như cầu Bà Hom, cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân),… và đang sửa chữa cầu Tăng Long (quận 9), một số công trình ở Củ Chi, Bình Chánh. Riêng tuyến đường Lê Văn Lương có 4 cây cầu yếu, cũ là Rạch Đỉa, Rạch Tôm, Rạch Rơi và Long Kiển. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2020, những công trình này sẽ được xây dựng mới”.

Dung Nhi - Dương Hạnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.