Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhận định: “Học sinh tiểu học là độ tuổi ưa vận động hay nói cách khác là rất tinh nghịch. Do đó, việc đầu tiên khi đến trường là cơ sở vật chất phải đảm bảo an toàn để không xảy ra sự cố đáng tiếc”.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, trong vụ việc sập đổ lan can xảy ra tại trường tiểu học Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) khiến 16 học sinh nhập viện, nguyên nhân không thể đổ lỗi cho các cháu học sinh nhỏ tuổi.
TS. Tùng Lâm cho rằng, lỗi đầu tiên là xuất phát từ trách nhiệm quản lý và giám sát của nhà trường.
“Nhà trường lẽ ra phải thường xuyên kiểm tra nếu cơ sở vật chất xuống cấp phải gia cố an toàn mới cho học sinh vào học, đồng thời cảnh báo đến các cháu học sinh, ngăn không cho sự cố xảy ra”, TS. Lâm nhìn nhận.
Trong khi đó, trả lời PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Văn Môn thừa nhận khu vực lan can của ngôi trường xuống cấp và đã được trường gia cố.
Lãnh đạo sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngôi trường được xây dựng từ khá lâu nhưng khi hỏi về trách nhiệm trong việc xảy ra sự cố, vị này nói: “Cơ quan chức năng vẫn đang điều tra”.
Trước đó, thông tin với PV, một lãnh đạo Công an huyện Yên Phong cho hay, vào đầu giờ chiều 11/12, các cháu học sinh chơi trò đuổi bắt (đuổi bắt cắn nhau). “3 học sinh đuổi 13 học sinh còn lại theo trò đuổi bắt. 13 cháu học sinh chạy dồn nhau vào khu vực lan can. Cùng với việc lan can có các con tiện bê tông, công trình xuống cấp lâu ngày nên đã sập đổ và các cháu cùng kéo nhau rơi xuống. 13 cháu chạy bị rơi cùng với 1 cháu học sinh lớp 2 ở dưới”, vị lãnh đạo Công an huyện Yên Phong cho hay.
Thông tin về ngôi trường này, vị lãnh đạo Công an huyện Yên Phong cho biết: Trường xây dựng từ những năm 1998, tầng 1, tầng 2 được hoàn thiện năm 2002.
Vị này cũng cho biết, cơ quan điều tra cũng đồng thời làm rõ việc xây dựng trường có đảm bảo hay không và chưa có kết luận cuối cùng.