Vụ sinh viên tố học một đằng, bằng một nẻo: Gắn "mác" báo chí có làm nên khác biệt?!

Vụ sinh viên tố học một đằng, bằng một nẻo: Gắn "mác" báo chí có làm nên khác biệt?!

Lê Nhâm Thân

Lê Nhâm Thân

Thứ 6, 06/07/2018 18:55

Việc gắn "mác" báo chí không làm sinh viên dễ dàng xin việc mà còn tạo hệ lụy, sai lệch, thậm chí ảnh hưởng đến xã hội về sau.

Ngày 6/7, ban Giám hiệu trường đại học Duy Tân Đà Nẵng đã lên tiếng về việc bị sinh viên "tố" đào tạo một đằng cấp bằng một nẻo. Cụ thể ở đây là đào tạo "Văn - Báo chí", nhưng cấp bằng cử nhân "Văn học" (?!).

Theo đại diện của ngôi trường này, họ được bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép đào tạo ngành Văn học. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành này rất ít sinh viên theo học vì không có việc làm sau khi ra trường. Từ đó, Trường này đã mở chuyên ngành "Văn - Báo chí" thuộc ngành Văn học. Cùng với đó, theo quy định của bộ GD&ĐT, trên văn bằng giáo dục đại học chỉ ghi ngành đào tạo. Do vậy, đại học Duy Tân in tên ngành "Văn học" trên bằng tốt nghiệp của sinh viên là đúng.

Vụ sinh viên tố học một đằng, bằng một nẻo: Gắn 'mác' báo chí có làm nên khác biệt?!

Sinh viên đại học Duy Tân thất vọng sau 4 năm theo học Văn - Báo chí, nhưng nhận tấm bằng cử nhân Văn học.

Theo ghi nhận của chúng tôi khi triển khai thực tế, dường như ngôi trường này vẫn còn có sự mập mờ, "đánh lận con đen" giữa ngành/chuyên ngành, giữa Văn học/Báo chí khiến sinh viên không hiểu rõ bản chất để rồi phải chịu ấm ức như hơn 20 trường hợp vừa tốt nghiệp Văn học khóa 2014 - 2018 nói trên.

Đầu tiên, trong cẩm nang tuyển sinh của đại học Duy Tân năm 2014 ghi rõ "Văn - Báo chí" như là một ngành. Nó đứng độc lập, ngang hàng với các ngành còn lại. Ở đây, sinh viên rất khó có thể nhận diện được "Văn - Báo chí" là chuyên ngành của "Văn học".

Chưa hết, trên website của trường này (duytan.edu.vn) chúng tôi dễ dàng bắt gặp hàng loạt nhân xưng "ngành Văn- Báo chí". Tiếp nữa, thời điểm ngày 4/7 tại một tấm pano quảng cáo tuyển sinh năm 2018 trước mặt cổng ngôi trường này cái tên "Văn - Báo chí" cũng được thể hiện như là một ngành đào tạo cùng với gần 30 ngành khác. Còn ngành "Văn học"-ngành mà trường được bộ GD&ĐT cấp phép thì chẳng thấy đâu?!

Vụ sinh viên tố học một đằng, bằng một nẻo: Gắn 'mác' báo chí có làm nên khác biệt?! (Hình 2).

Rất khó để sinh viên biết "Văn - Báo chí" chỉ là chuyên ngành từ cẩm nang tuyển sinh này.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm khoa Báo chí - Truyền thông, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, báo chí có vai trò nền tảng và có khả năng tác động đến tính chất, khuynh hướng của một xã hội. Chính vì vậy, nghề báo luôn thu hút đông đảo sự quan tâm của người học.

Trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh gay gắt như hiện tại, nhiều cơ sở đào tạo đã và đang tìm mọi cách đưa "mác" báo chí dính vào danh mục các ngành tuyển sinh của đơn vị mình (đại học Duy Tân cũng thừa nhận sinh viên theo học "Văn học" rất ít nên đã mở "Văn - Báo chí" - PV).

Theo vị PGS.TS, mỗi ngành có một đặc trưng riêng. Ở đây, người học báo chí cần được đào tạo 3 nội dung then chốt là kiến thức nền tảng sâu rộng về văn hóa - chính trị - xã hội, kỹ năng tác nghiệp báo chí thuần thục và đạo đức nghề nghiệp. Từ đó, chất lượng đào tạo báo chí phải được nhận thức rõ ràng, sâu sắc từ những người làm đào tạo.

“Việc gắn chữ "báo chí" vào chương trình đào tạo không khiến cho sinh viên dễ tìm được việc làm hơn. Vì để làm việc được trong lĩnh vực báo chí truyền thông sinh viên phải có đủ năng lực, kỹ năng, kiến thức.... Người làm báo khi chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, sẽ có nguy cơ tạo nên những sản phẩm thông tin kém chất lượng, thiên lệch, ảnh hưởng và tác hại tới xã hội rất nhiều.", PGS.TS Thu Hương nói.

Vụ sinh viên tố học một đằng, bằng một nẻo: Gắn 'mác' báo chí có làm nên khác biệt?! (Hình 3).

Văn - Báo chí là ngành đào tạo của đại học Duy Tân? Ảnh Plo.vn.

Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục tại TP.Đà Nẵng nhìn nhận, trên thực tế một số trường cũng có ghép phần đuôi trong đào tạo nhưng ghép là phải có tính logic về nội dung. Thường thì các ngành có cùng các khối ngành, gần như nhóm ngành mới ghép với nhau.

Theo vị này, "Văn học" và "Báo chí" là 2 ngành thuộc 2 nhóm ngành khác nhau. Nó không cùng khối ngành và càng không là ngành gần. Ngành Báo chí (mã 7320104) nằm trong khối ngành Báo chí & Truyền thông (mã 73201) thuộc nhóm ngành Báo chí & Thông tin (mã 732). Còn Văn học (mã 7229030) thuộc nhóm ngành Nhân văn mã số 722.

Trên thực tế, 2 ngành học này là rất cách xa nhau. Việc ghép đôi là không đảm bảo. Việc ghép Văn – Báo chí khó có nội dung liên thông, logic đầy đủ để đạt năng lực đầu ra cho sinh viên. Bắt buộc sinh viên phải xoay xở để thực nghiệp.

Danh Vĩnh 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.