Vụ Snowden: Các nhà làm luật gay gắt, giới tình báo điêu đứng

Vụ Snowden: Các nhà làm luật gay gắt, giới tình báo điêu đứng

Thứ 4, 24/07/2013 08:56

Các nghị sỹ Mỹ đồng loạt lên tiếng chỉ trích chương trình do thám của NSA và cảnh báo sẽ hạn chế quyền hạn của tổ chức này.

Đối tượng tình nghi và mối đe dọa đặc biệt

Ngay tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, các nghị sỹ thuộc cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa cùng đồng loạt chỉ trích, lên án chương trình do thám quy mô lớn của NSA đã vượt ra ngoài khuôn khổ Hiến pháp Mỹ cũng như các đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua. Hạ nghị sỹ Zoe Lofgren đến từ bang California tuyên bố, chương trình nghe lén này rõ ràng đã đi chệch khỏi khuôn khổ luật pháp.

Cuộc điều trần trên tập trung vào các hoạt động giám sát với quy mô rộng khắp đang bị soi xét kỹ sau vụ cựu nhân viên

Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden công khai về các chương trình nghe lén của Chính phủ Mỹ. Đồng thời, các nhà làm luật cũng cảnh báo, họ sẽ hạn chế quyền hạn của cơ quan này trong việc thu thập dữ liệu qua điện thoại trong thời gian tới. 

Tiêu điểm - Vụ Snowden: Các nhà làm luật gay gắt, giới tình báo điêu đứng

Thứ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.

Thứ trưởng bộ Tư pháp Hoa Kỳ James Cole tuyên bố: "Chúng tôi luôn tìm cách cân bằng giữa an ninh quốc gia với quyền riêng tư và tự do cá nhân của người Mỹ trong các hoạt động của mình". Trong khi đó, Phó giám đốc NSA John Inglis tiết lộ: "Những hoạt động này được bảo mật rất kỹ. Chỉ có 22 người ở NSA được tiếp cận các bộ lọc thông tin".

Mặc dù vậy, các nghị sỹ Mỹ lại cho rằng, Quốc hội cần chỉnh sửa đạo luật Yêu nước (được thông qua sau sự kiện 11/9/2001) để đảm bảo NSA chỉ được thu thập thông tin ở phạm vi hẹp, trừ khi các cơ quan chính phủ đã xác định được đối tượng tình nghi hoặc mối đe dọa đặc biệt.

Thay đổi phương thức tiếp cận kho tin tuyệt mật?

Bất bình với chương trình do thám của NSA, Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ John Conyers, thành viên cấp cao trong Ủy ban Tư pháp, đã mạnh mẽ chỉ trích việc thu thập dữ liệu và thông tin cá nhân của PRISM là hành vi "vi phạm nghiêm trọng" luật pháp Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi đạo luật Yêu nước là cần thiết nhằm tránh xảy ra các vụ việc làm tổn thương đến công dân Mỹ.

Về phía đảng Cộng hòa, nghị sĩ James Sensenbrenner, người phản đối những bao biện của giới chức NSA về chương trình nghe lén, cho rằng, quyền thu thập dữ liệu cuộc gọi được nêu trong Điều 215 của đạo luật Yêu nước sẽ không được xem xét lại chừng nào họ chưa thay đổi được quan điểm chống khủng bố là như thế nào.

Trong khi đó, Hạ nghị sỹ của bang Texas - Ted Poe, thuộc đảng Cộng hòa thẳng thừng bày tỏ quan điểm của mình: "Tôi không ưa Snowden chút nào nhưng phải công nhận, chúng ta sẽ chẳng hề biết gì nếu anh ta không lên tiếng".

Chuyên gia về luật an ninh thuộc đại học quốc gia Mỹ Stephen Vladeck trong lần trả lời phỏng vấn tờ Washington Post cũng thừa nhận rằng, những thách thức pháp lý đối với chương trình PRISM là không nhỏ. Ông Vladeck nói, trong trường hợp chính phủ muốn sử dụng thông tin thu thập được từ chương trình PRISM để phục vụ cho việc khởi tố hình sự, nguồn gốc của thông tin sẽ phải được tiết lộ và điều này cũng là một bất lợi lớn đối với NSA.

Đề cập đến vấn đề tình báo tại diễn đàn an ninh Aspen ở bang Colorado, Thứ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Chính phủ liên bang đang có những bước đi theo hướng thay đổi các thủ tục tiếp cận kho tin tức tuyệt mật, không để cho một cá nhân có thể nắm được một lượng tin nhiều như Edward Snowden. Các biện pháp cụ thể được áp dụng gồm phân loại và phong tỏa thành từng cụm tin, không để chung trong một kho lưu trữ như trước đây.

Với biện pháp này, một cá nhân khi truy cập sẽ chỉ vào được khu vực tin tức cần tìm, thay vì có thể xem được tất cả những tin tức tuyệt mật ở cùng một địa chỉ. Biện pháp thứ hai quy định "chế độ hai người" giống như các thủ tục bảo vệ vũ khí hạt nhân. Với biện pháp này, những người làm công tác quản lý hệ thống như Edward Snowden giờ đây khi muốn tiếp cận các tin tình báo tuyệt mật thì phải làm việc đó cùng với một đồng nghiệp nữa, chứ không được một mình tự do như trước đây.       

An Mai (Theo CNN/AP/Washington Post)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.