Vụ "sở hữu 5 ngàn tấn vàng ở ngân hàng Mỹ": Các bị cáo lừa đảo lĩnh án

Võ Công Thư

Võ Công Thư

Thứ 5, 29/09/2022 18:07

Dù không có khả năng tài chính nhưng Nguyễn Minh Hiệp lập nhiều công ty và cùng với 4 đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo tinh vi, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.

Ngày 29/9, TAND Tp.HCM mở phiên xử sơ thẩm hình sự vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 3 bị cáo Nguyễn Minh Hiệp, SN 1985; Đỗ Phú Phong, SN 1974 và Võ Văn Cậm Em, SN 1964.

Nhóm bị cáo trên đã bằng nhiều thủ đoạn gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hai bị hại với số tiền trên 10 tỷ đồng, rồi chia nhau tiêu xài.

Hồ sơ điều tra - Vụ 'sở hữu 5 ngàn tấn vàng ở ngân hàng Mỹ': Các bị cáo lừa đảo lĩnh án

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: H.YẾN)

Theo cáo buộc, dù không có tiền nhưng bị cáo Nguyễn Minh Hiệp thành lập Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu TFF (Công ty TFF), Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Rolex (Công ty Rolex) và Công ty TNHH đầu tư tài chính HCT để cùng với Phong, Em và Nguyễn Văn Mực thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình “tự quảng bá bản thân”, Hiệp kết nối được với ông H., Giám đốc bán hàng khu vực Châu Á Công ty Glocal Green và ông N., Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hữu Nghị Toàn Cầu. Khi biết hai ông này đang cần số vốn lớn để kinh doanh, Hiệp đã “nổ” mình có khả năng giúp đỡ.

Để tạo lòng tin, Hiệp nói mình có mối quan hệ với nhiều cán bộ cấp cao trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, Hiệp còn đưa các giấy tờ giả như: Chứng nhận sở hữu tài sản, hối phiếu (Bankdraft), các giấy tờ thể hiện bản thân đang được thừa hưởng di sản hàng triệu đến hàng tỷ USD…

Giúp sức cho Hiệp là bị cáo Phong. Cụ thể, Phong đã cung cấp bản Hối phiếu (Bankdraft) giả của Ngân hàng HSBC cho Hiệp để làm công cụ, phương tiện lừa đảo ông H. chiếm đoạt số tiền hơn 7,4 tỷ đồng. Trong phi vụ này, Phong được Hiệp chia 1,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Phong cũng là người cung cấp các tài liệu giả là Giấy Chứng nhận sở hữu 5.000 tấn vàng, trị giá 10 tỷ USD, hiện đang gửi tại Ngân hàng Citibank of New York; làm giả Giấy ủy quyền cho Công ty TNHH đầu tư tài chính HCT rồi chuyển cho Hiệp.

Có các giấy tờ nói trên, Hiệp đã gửi cho ông N. tạo lòng tin, để lừa đảo, chiếm đoạt của Công ty Hữu Nghị Toàn Cầu số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.

Quá trình gặp gỡ các nạn nhân, Hiệp đưa bị cáo Em đi cùng. Với chức danh giả  mạo  là kế toán trưởng Công ty TFF, bị cáo Em đã đứng ra soạn thảo hợp đồng, dùng tài khoản cá nhân của mình để nhận số tiền 6,5 tỷ đồng do Hiệp lừa đảo được.

Bị cáo Em biết việc Hiệp lừa đảo, biết số tiền mình nhận được từ việc lừa đảo của Hiệp nhưng vẫn thực hiện theo yêu cầu của Hiệp để nhận tiền và sau đó rút tiền mặt hoặc chuyển sang tài khoản khác cho Hiệp.

Tính đến khi các phi vụ lừa đảo của Hiệp bị phát giác, bị cáo Hiệp và đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt trên 10 tỷ đồng của ông H. và ông N. như đã nói trên.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội và mong được pháp luật khoan hồng. HĐXX sau khi nghị án đã nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần tuyên mức án nghiêm khắc.

Xét hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Về mức án, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hiệp 18 năm tù, Đỗ Phú Phong 16 năm tù và Võ Văn Cậm Em 13 năm tù. 

Bên cạnh nhóm 3 bị can vừa nêu, cơ quan điều tra còn xác định Nguyễn Văn Mực là người có liên quan trong vụ án này. Theo đó, Mực là người giả mạo mình là cán bộ của Ban Kế hoạch Tài chính Trung ương. Các nạn nhân tin tưởng nên đã ký hợp đồng tư vấn cho thuê số dư 30.000 USD với Mực.

Không những thế, với vai trò là người đại diện theo pháp luật của Công ty TFF, Mực đã giúp sức cho Hiệp, Em, đứng tên là Phó giám đốc Công ty TFF và dùng các chức danh này để ký kết các hợp đồng, thỏa thuận với các nạn nhân.

Khi công ty TFF nhận được tiền, Mực làm theo chỉ đạo của Hiệp trong việc chuyển số tiền 7,4 tỷ đồng lừa đảo được theo yêu cầu của Hiệp, tạo điều kiện cho Hiệp chiếm đoạt số tiền này.

Được xác định vai trò đồng phạm hành vi lừa đảo với Hiệp và 2 bị cáo còn lại, Mực cũng bị bắt tạm giam tại Trại tạm giam T30 . Đầu tháng 7/2021, Mực mắc Covid-19 và được điều trị tại Khu điều trị dã chiến của Trại tạm giam T30. Tuy nhiên, ngày 5/7/2021, Mực chết tại khu cách ly này.

Do Mực đã chết nên cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra với Mực.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.