Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Thời gian qua, sự cố nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước nói chung và người dân thủ đô Hà Nội nói riêng.
Sự cố này đã làm ảnh hưởng đến hàng vạn hô dân, cuộc sống của hàng triệu người bị đảo lộn. Nước sạch bị nhiễm dầu còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.
Liên quan đến sự việc này, mới đây, cơ quan Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ 3 đối tượng liên quan đến xả dầu thải xuống dòng nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự cố trên bộc lộ sự yếu kém và tắc trách của chính quyền, không chỉ ở Hà Nội mà còn của cả hệ thống các cơ quan có trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và các đơn vị sản xuất nước sạch chưa thực sự quan tâm đến cấp nước an toàn, khi xảy ra sự cố còn lúng túng, đổ lỗi trách nhiệm, vấn đề pháp lý còn nhiều lỗ hổng trong việc tiến hành kiểm tra chất lượng nước dễ dẫn tới khả năng mất kiểm soát.
Bày tỏ quan điểm của mình tại tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý” do tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức, PGS.TS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng trường đại học Xây dựng, chuyên gia cao cấp ngành nước cho hay: “Nhà máy nước sông Đà cũng là "bị hại" bởi chính nguồn gây ra ô nhiễm không phải là nhà máy nước. Tuy nhiên, dù nói thế nào thì nhà máy nước sạch sông Đà cũng phải chịu trách nhiệm chính khi bán nước cho dân.
Sự việc đã xảy ra rồi, người ta nói đừng để "mất bò mới lo làm chuồng". Tuy nhiên, chúng ta phải làm chuồng nhanh chóng để không mất thêm con bò, không để xảy ra sự cố nữa”.
Theo PGS.TS Ứng Quốc Dũng vấn đề quản lý tài nguyên nước đã phân định rất rõ: “Về quản lý nguồn tài nguyên chung bộ TN&MT quản lý, đặc biệt là quản lý nguồn cung cấp nước sạch. Ở các nước, việc bảo vệ nguồn nước rất tốt, gồm có nhiều bước, lớp lang. Nhưng, chúng ta thực hiện đã tốt hay chưa?
Thêm nữa, trong thời đại 4.0, người ta có thể kiểm nghiệm tại chỗ bằng các chỉ số thông qua máy móc, công nghệ chứ không phải khi xảy ra rồi mới phát hiện được.
Về chính sách, cổ phần hóa ngành nước phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Bởi, nước là tài nguyên thiết yếu, nước là an ninh quốc gia, là an toàn cho tất cả người dân. Vì vậy, chính quyền phải có trách nhiệm, nhà máy nước, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước chính quyền và người dân.
Hiện nay, quy định về kiểm soát nước, cung cấp nước của chúng ta còn chưa đầy đủ, có lỗ hổng. Việc này cần phải có các quy định chặt chẽ hơn, rất cần có luật sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, phân trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, các đơn vị kinh doanh, sản xuất hành nghề nước và người tiêu dùng nước, nhân dân”.
UBND địa phương phải có trách nhiệm
Cũng bày tỏ quan điểm của mình về trách nhiệm của đơn vị cấp nước trong sự cố nước sông Đà, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng cục Hạ tầng đô thị, bộ Xây dựng cho biết: “Về chức năng quản lý Nhà nước, trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ. Trong Nghị định 117, bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về cấp nước đô thị, bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về cấp nước nông thôn, bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính sẽ phải đảm bảo nguồn lực, bộ Y tế chịu trách nhiệm về các quy chuẩn.
Đối với bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm thuộc về bộ Tài Nguyên và Môi trường. Ngoài ra, các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ nguồn nước. Những vấn đề này đều có sự phân công rõ ràng.
Trong sự cố sông Đà, UBND địa phương phải chịu trách nhiệm liên đới, doanh nghiệp cung cấp nước chịu trách nhiệm trực tiếp. “Rất nhiều UBND địa phương nói rằng trách nhiệm chính là của đơn vị cấp nước. Nhưng theo tôi, UBND địa phương không thể đứng ngoài cuộc được”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nhấn mạnh.
Nói về trách nhiệm của các công ty tiếp nhận nguồn nước để bán cho người dân, các công ty này có trách nhiệm kiểm tra, quan trắc như thế nào? Ths. Nguyễn Hồng Dương, chuyên gia Cấp nước an toàn- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho rằng: “Theo quy định, trách nhiệm quản lý được phân công cho từng đơn vị, việc này phức tạp rất nhiều, tuy nhiên vai trò nhạc trưởng chính là cơ quan quản lý Nhà nước, tại các địa phương là UBND cấp tỉnh, nếu phạm vi liên tỉnh thì cơ quan quản lý Trung ương phải tham gia vào. Theo quy chuẩn bộ Y tế, chất lượng được quản lý dựa trên 109 chỉ tiêu, có những nhóm chỉ tiêu phải kiểm tra hàng ngày, có nhóm kiểm tra 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng một lần.
Trong quá trình vận chuyển phân phối có khoảng thời gian nguồn nước không được kiểm tra, các đơn vị tiếp nhận nước nhưng không có xử lý hay kiểm tra trừ khi có khiếu nại của khách hàng. Rõ ràng, ở đây sự quản lý lỏng lẻo. Do đó, các đơn vị đấu nối, nhận nguồn nước cấp cho dân rất ít chủ động kiểm tra chất lượng”.
Cũng trao đổi về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến bày tỏ: “Tôi cho rằng, qua sự cố lần này không phải chỉ các công ty nước Hà Nội, mà tất cả các nhà máy nước trên toàn quốc cần kiểm tra lại quá trình cấp nước của mình. Tất cả công ty cấp nước cần rà soát lại quy trình của mình. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát và kiểm tra chất lượng theo đúng quy định”.
Công ty cấp nước phải có trách nhiệm công khai kết quả quan trắc
Trao đổi thêm về vấn đề liệu có phải Styren là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nguồn nước tại sông Đà? Trong hơn 100 chỉ tiêu kiểm nghiệm nước thì có những chỉ tiêu nào dài hơn 15 ngày mới ra kết quả hay không?
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết: “Theo quy chuẩn của bộ Y tế, phần phân tích hàng ngày là khoảng hơn 10 chỉ tiêu. Tôi cho rằng, việc công bố kết quả quan trắc công ty cấp nước phải có trách nhiệm công khai, phải phân tích và công bố kết quả phân tích để người dân nắm được. Đồng thời, cấp chính quyền cần phải thanh tra, kiểm tra các công ty cấp nước có làm đúng với quy định của nhà nước hay không.
Còn việc nước sông Đà nhiễm dầu, trong đó có chất dầu và các chất độc. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng xung quanh nhà máy nước sông Đà, họ đến xin dầu này về làm thuốc diệt chuột, như vậy chúng ta có thể hiểu được mức độ độc hại nó như thế nào. Bên cạnh đó, chất lượng đường ống nước cũng cần phải xem xét và kiểm tra lại, bởi tôi cho rằng đến thời điểm hiện tại, đường ống nước đã quá nát, cần phải thay lại bằng ống HDPE hoặc ống gang. Nhưng, nếu thay thế bằng ống khác thì cũng cần phải xem xét xuất xứ của nó. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện chính sách”.