Một số tài liệu trong đó mà các quan chức Mỹ khẳng định là thật có thể làm sáng tỏ quy mô theo dõi các đồng minh chiến lược của Mỹ, trong đó bao gồm các nước Hàn Quốc, Israel và Ukraine.
Một số tài liệu khác tiết lộ mức độ Mỹ đã xâm nhập Bộ Quốc Phòng Nga và tổ chức đánh thuê Wagner, phần lớn thông qua gián đoạn các liên lạc và nguồn tin con người mà giờ đây có thể bị bỏ rơi hoặc gặp nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, nhiều tài liệu còn tiết lộ điểm yếu quan trọng trong vũ khí, phòng thủ đường không, quy mô các tiểu đoàn và mức độ sẵn sàng của Ukraine trong thời điểm cuộc chiến đang ở đỉnh điểm, khi lực lượng quân sự của Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công đối với Nga và cũng là lúc Mỹ, Ukraine vừa bắt đầu phát triển một mối quan hệ song phương tin tưởng thông qua chia sẻ thông tin tình báo.
Theo một nguồn tin thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Quốc gia này đã bắt đầu thay đổi một số kế hoạch quân sự do vụ rò rỉ trên.
Lầu Năm Góc đã thiết lập nên một “kế hoạch liên cơ quan” nhằm đánh giá tầm nghiêm trọng của vụ rò rỉ này, theo lời Phó Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc bà Sabrina Singh vào Chủ Nhật vừa rồi.
Trong một phát biểu, bà Singh cho biết: “Bộ Quốc Phòng đang tiếp tục kiểm tra và đánh giá mức độ đáng tin của những tài liệu được chụp lại trước khi đăng trên các trang mạng xã hội và nó có khả năng chứa nhiều thông tin nhạy cảm, tuyệt mật. Một kế hoạch liên cơ quan đã được thiết lập để tập trung đánh giá sự nghiêm trọng mà những tài liệu được chụp lại này có thể gây ra cho nền an ninh quốc gia Mỹ cũng như đối với các nước đồng minh và đối tác”.
Bà Singh cũng cho biết thêm, các quan chức Mỹ đã liên lạc với các đồng minh, đối tác trong cuối tuần vừa rồi về vụ rò rỉ và đã báo cáo lên “các ủy ban quốc hội liên quan”.
Theo một số quan chức Mỹ, vụ rò rỉ này cũng đã khiến Lầu Năm Góc bắt đầu đưa ra các bước thắt chặt nguồn trao đổi những tài liệu nhạy cảm. Trước đây, loại tài liệu này thường có thể được truy cập bởi hàng trăm người trong Chính phủ Mỹ bất cứ lúc nào.
Theo một quan chức của Bộ Quốc Phòng Mỹ, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, một cơ quan bao gồm các sĩ quan lãnh đạo cao cấp nhất của Bộ Quốc Phòng Mỹ có trách nhiệm cố vấn cho Tổng thống, đang điều tra danh sách phân phối của cơ quan này để tìm ra những người đã được cấp các tài liệu trên. Số nhiều trong các tài liệu này có đánh dấu cho thấy chúng được soạn thảo bởi bộ phận tình báo của Hội đồng Tham mưu trưởng, còn được biết đến là J2 và có vẻ là tài liệu giao ban.
Vào thứ Sáu vừa rồi, bà Singh đã cho biết, Bộ vẫn đang tiếp tục theo dõi vấn đề này và đã liên lạc với Bộ Tư Pháp. Bộ Tư Pháp cũng xác nhận đã tổ chức một cuộc điều tra tìm ra nguồn rò rỉ tài liệu.
Sự tức giận của các nhà ngoại giao
Theo ảnh chụp màn hình các bài đăng được kiểm tra bởi CNN, tài liệu rò rỉ trong tháng vừa rồi xuất hiện trên nền tảng Discord. Những bài đăng này là ảnh chụp các tài liệu nhăn nhúm đặt trên các tờ báo giấy và xung quanh là một số vật dụng ngẫu nhiên như túi zip hay lọ keo dán. Theo một nguồn tin có hiểu biết về các dạng tài liệu này, có vẻ như những tài liệu này đã bị vội vàng gấp lại và nhồi vào túi trước khi được mang khỏi khu vực bảo mật.
Một nhà phát ngôn của Discord đã xác nhận vào Chủ Nhật vừa rồi rằng công ty này đang hợp tác với các cơ quan hành pháp trong cuộc điều tra.
Mặc dù các hoạt động tình báo là một phần không tránh khỏi khi cộng đồng tình báo Mỹ thu thập thông tin trên toàn thế giới, nhưng nhiều nhà ngoại giao từ các quốc gia được nhắc tới trong tài liệu đã cho biết, họ thấy tức giận khi những thông tin này bị công khai và cảm thấy lo ngại cho danh tiếng của Mỹ.
Các đồng minh của Mỹ cũng đang thực hiện đánh giá tổn hại, tìm hiểu liệu các nguồn thông tin và phương pháp tình báo của họ có bị tổn hại bởi vụ rò rỉ hay không.
Quan chức từ một quốc gia trong Liên minh Ngũ Nhãn, một liên minh hợp tác chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh Quốc và Mỹ, đã cho biết: “Chúng tôi trông chờ Mỹ sẽ chia sẻ đánh giá thiệt hại trong những ngày tới đây, nhưng chúng tôi không thể chờ các đánh giá của họ. Hiện tại chúng tôi đang thực hiện các đánh giá nội bộ. Chúng tôi đang kiểm tra kỹ loạt tài liệu này để tìm hiểu xem liệu các thông tin tình báo này có nguồn gốc từ quốc gia mình hay không”.
Quan chức từ một quốc gia khác trong Liên minh đã thể hiện sự lo ngại các thông tin rò rỉ về cuộc chiến tại Ukraine có thể gây hại cho quốc gia này trên chiến trường.
Quan chức này cũng đã chỉ ra chi tiết đáng báo động rằng một tài liệu từ tháng 2/2023 có tựa đề “Nga - Ukraine: Cuộc chiến tại Donbas có thể sẽ bế tắc suốt năm 2023” đã được nhìn thấy. Tài liệu này đề cập đến các khó khăn trong việc đánh giá “khả năng duy trì các hoạt động của Ukraine”.
“Các chiến thắng cho Ukraine sẽ rất khó để đạt được, nhưng việc một tài liệu nội bộ của Mỹ đánh giá khả năng bế tắc suốt một năm trời không giúp gì cho những nỗ lực đạt được mục tiêu này”, quan chức này nhận định.
Theo dõi đồng minh
CNN đã kiểm tra 53 tài liệu rò rỉ, toàn bộ trong số đó có vẻ đã được soạn trong khoảng thời gian từ giữa tháng 2 tới đầu tháng 3 vừa rồi.
Một tài liệu cho biết, Mỹ đã theo dõi Tổng thống Zelensky. Theo nguồn tin thân cận với Tổng thống Zelensky, điều này không bất ngờ nhưng các quan chức Ukraine rất tức giận về vụ rò rỉ này.
Báo cáo tình báo này của Mỹ cho thấy, trong tháng 2 vừa rồi, Tổng thống Zelensky “đã đề xuất tấn công các địa điểm triển khai quân đội Nga tại Rostov Oblast” bằng các máy bay không người lái, vì Ukraine không có vũ khí tầm xa có khả năng tấn công địa điểm này.
Tình báo theo dõi tín hiệu bao gồm gián đoạn các liên lạc và được Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ định nghĩa là “các thông tin tình báo có nguồn gốc từ tín hiệu và hệ thống điện tử được sử dụng bởi các đối tượng ngoại quốc như các hệ thống liên lạc, radar và hệ thống vũ khí”.
Thông tin tình báo này có thể giải thích những bình luận của Mỹ về thái độ không muốn cung cấp hệ thống tên lửa tầm xa cho Ukraine vì lo ngại rằng Kyiv sẽ sử dụng chúng để tấn công vào bên trong nước Nga. Nhưng, Ukraine đã cam kết sẽ không sử dụng vũ khí mà Mỹ cung cấp vào mục đích này.
Cũng có liên quan, một báo cáo tình báo khác cho biết, Nga có thể tận dụng việc Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong Nga “làm cơ hội để tố cáo NATO là phe gây hấn và có thể tăng cường cung cấp viện trợ cho Nga nếu quốc gia này đánh giá các cuộc tấn công đó là đủ nghiêm trọng”.
Mykhailo Podolyak, cố vấn của Trưởng Văn phòng Tổng thống Ukraine, đã cho biết trên kênh Telegram vào thứ Sáu vừa rồi rằng ông tin các tài liệu được lan truyền là không chính xác, “không liên quan tới các kế hoạch thực tế của Ukraine” và dựa trên “một lượng lớn thông tin không có thật” được lan truyền bởi Nga.
Một tài liệu khác lại mô tả vô cùng chi tiết một cuộc đối thoại giữa hai quan chức an ninh quốc gia cao cấp của Hàn Quốc về các lo ngại từ phía Hội đồng An ninh Quốc gia của nước này đối với những yêu cầu cung cấp đạn dược từ Mỹ.
Những quan chức này lo ngại rằng việc cung cấp đạn dược mà Mỹ sẽ gửi tới Ukraine có thể vi phạm chính sách không cung cấp viện trợ quân sự tới các quốc gia đang tham chiến của Hàn Quốc. Theo tài liệu này, một trong những quan chức trên đã đề nghị một phương pháp đi vòng qua chính sách này mà không cần thay đổi nó: họ có thể bán đạn dược cho Ba Lan.
Theo New York Times, tài liệu này đã dấy lên nhiều tranh luận ở Seoul, và các quan chức Hàn Quốc đã phát biểu trước cánh báo chí rằng họ sẽ yêu cầu Washington giải quyết vấn đề này.
Nhiều nhà ngoại giao đã cho biết, quan chức các quốc gia khác cũng dự định sẽ yêu cầu Washington đề ra phương án giải quyết nhưng chưa nhắc tới vấn đề này, vì muốn đợi xem chính quyền Tổng thống Biden sẽ có những phát biểu gì về các tài liệu bị rò rỉ.
Trong khi đó, một báo cáo tình báo về Israel đã gây phẫn nộ tại Jerusalem. Báo cáo này được soạn bởi CIA và có nguồn gốc từ tình báo tín hiệu. Báo cáo cho biết, cơ quan tình báo chính của Israel, tổ chức Mossad, đã có hành vi khuyến khích biểu tình chống đối Chính phủ mới của quốc gia này.
Văn phòng Thủ tướng Israel đã có phản hồi trên danh nghĩa của Mossad vào sáng Chủ Nhật vừa rồi, đánh giá báo cáo này là “dối trá và hoàn toàn không có cơ sở nào”.
Phát biểu này cho biết: “Cơ quan Mossad và những quan chức cấp cao của tổ chức này đã và đang không khuyến khích nhân viên cơ quan tham gia các cuộc biểu tình chống Chính phủ, biểu tình chính trị hay bất kỳ hoạt động chính trị nào khác. Mossad và những nhân viên cấp cao tại chức không hề dính líu tới vấn đề biểu tình. Sự tận tụy đối với các giá trị trong công cuộc phục vụ quốc gia luôn luôn là kim chỉ nam cho Mossad từ thời điểm thành lập tới nay”.
Một hồ sơ mật khác, cũng có nguồn gốc từ tình báo tín hiệu, cung cấp cái nhìn về phương pháp Mỹ đánh giá các chính sách của đồng minh và cách Mỹ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thay đổi các chính sách đó.
Tài liệu mang tên “Israel: Cánh cửa tới Cung cấp Viện trợ Quân sự cho Ukraine” cho biết, Jerusalem “rất có khả năng sẽ cân nhắc viện trợ quân sự khi chịu áp lực từ Mỹ hoặc cảm thấy suy thoái” trong mối quan hệ với Nga.
Một tài liệu khác tiết lộ về các đánh giá của Mỹ về những ý định viện trợ máy bay phản lực chiến đấu cho Ukraine của một số quốc gia châu Âu, sau khi quốc gia này yêu cầu viện trợ máy bay trong suốt hơn một năm vừa rồi.
Vào ngày 23/2, báo cáo này cho biết, Bulgaria đã thể hiện sẵn sàng viện trợ phi đội MiG-29 cho Ukraine. Báo cáo đã đánh giá quyết định này là “một thử thách”, vì quyết định sẽ khiến Bulgaria không có một phi đội phản lực chiến đấu nào để phục vụ các nhiệm vụ tuần tra đường không cho tới khi các máy bay F-16 của Mỹ được chuyển tới nơi, “ít nhất là mất một năm nữa”.
Do thám kẻ thù
Vụ rò rỉ khổng lồ này cũng đã tiết lộ khả năng thâm nhập của Mỹ vào Bộ Quốc Phòng Nga và tổ chức đánh thuê Wagner là sâu hơn so với các dự kiến trước đây.
Phần lớn các thông tin về Nga được thu thập từ các gián đoạn liên lạc, gây ra nhiều lo ngại về việc Nga có thể sẽ thay đổi phương pháp liên lạc để che giấu kế hoạch tốt hơn.
Những nguồn tin con người cũng có thể sẽ gặp nhiều rủi ro. Bản đồ về các di chuyển và khả năng hoạt động của quân đội Nga trong các tài liệu rò rỉ có nguồn gốc một phần từ các nguồn tin mật con người, dẫn tới lo sợ từ các quan chức Mỹ rằng những cá nhân này có thể sẽ gặp nguy hiểm.
Các tài liệu cho thấy Mỹ đã có thể nắm được kế hoạch tấn công của Nga, chi tiết đến mức biết rõ lực lượng Nga dự định sẽ tấn công nhà máy nhiệt điện nào, trạm biến áp nào, đường ray hay cầu đường bộ nào và cả thời điểm tấn công khi quốc gia này tấn công Ukraine.
Mỹ cũng đã nắm được các chiến lược của Nga trong đối đầu với xe tăng của NATO khi tấn công Ukraine vào tháng Tư. Theo báo cáo tình báo của Mỹ, kế hoạch này “yêu cầu thiết lập ba khu vực tấn công dựa trên khoảng cách - tầm xa, tầm trung và tầm gần - với mỗi khu vực tấn công được thực hiện bởi một dạng vũ khí và đơn vị riêng”.
Các tài liệu này nhấn mạnh những lo ngại của Mỹ đối với tổ chức Wagner, với hàng ngàn thành viên hoạt động tại Ukraine.
Tài liệu này cũng cung cấp những con số thương vong của cả hai phe, những con số vốn vô cùng khó ước lượng chính xác và Mỹ lâu nay đã do dự không công khai chi tiết.
Theo một trong số các tài liệu đó, lực lượng Nga đã chịu từ 195.500 tới 223.000 thương vong tính tới tháng Hai vừa rồi, bao gồm tới 43.000 lính tử vong trên chiến trường. Trong khi đó, Ukraine phải chịu từ 124.500 tới 131.000 thương vong và tới 17.500 lính tử vong trên chiến trường.
Các nhà phân tích cho biết, những thành phần xấu đã bắt đầu lợi dụng tài liệu rò rỉ để tuyên truyền thông tin sai lệch. Ví dụ như với tài liệu về con số thương vong, các tài liệu này đã bị sửa đổi trong những tuần vừa rồi và số thương vong từ phe Nga trong đó chỉ còn một nửa trước khi được lan truyền trên các kênh Telegram ủng hộ Nga.
Khi được hỏi về các hình ảnh được phát tán trên Twitter và Telegram, phát ngôn viên điện Kremlin ông Dmitry Peskov đã phát biểu vào thứ Sáu rằng “chúng tôi không hề nghi ngờ khả năng Mỹ và NATO đã có dính líu trong cuộc xung đột Nga - Ukraine bất kể là trực tiếp hay gián tiếp”.
Theo ông, “Mức độ dính líu đang ngày càng tăng. Chúng tôi đang theo dõi quy trình này. Tất nhiên là nó sẽ làm cho tình hình phức tạp hơn nhưng sẽ không thay đổi được kết quả sau cùng của hoạt động đặc biệt này”.
Nguyễn Quang Minh (Theo CNN)