Liên quan đến việc người mẹ tố cáo tài xế Grab lên mạng xã hội với hành vi quấy rối tình dục qua lời nói, đến nay cơ quan công an đã triệu tập tài xế để làm việc. Tài xế Phạm Văn H. (30 tuổi) đã thừa nhận hành vi của mình.
Tuy nhiên, xoay quanh việc người mẹ thay vì tố cáo lên cơ quan công an lại đưa lên mạng xã hội, một số luật sư đã phân tích về mặt lợi và mặt hại trong vấn đề này.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Hoàng Trọng Giáp cho hay, người mẹ thay vì báo cơ quan công an lại đưa lên mạng xã hội là không nên. “Người mẹ đưa thông tin lên mạng xã hội để tố cáo, trước tiên sẽ ảnh hưởng đến con mình. Từ ý định tốt vô hình trung làm bạn bè và những người ngoài biết chuyện, ảnh hưởng đến cuộc sống của con sau này”, luật sư Giáp cho biết.
Thứ 2, việc đưa thông tin tố cáo lên mạng xã hội sẽ làm khó cho quá trình điều tra của cơ quan công an. Bởi thông qua kênh thông tin này, người bị tố cáo có phương án chuẩn bị lời khai khi công an mời lên làm việc. Ngoài ra, người bị tố cáo có thể tìm cách trốn thoát.
Thứ 3, nếu sau này cơ quan công an vào cuộc xác minh thông tin không đúng thì sẽ bất lợi cho người tố cáo. Nếu nhẹ sẽ bị xử lý hành chính, còn nghiêm trọng hơn có thể dính vào tội vu khống.
Còn mặt lợi ở đây, mạng xã hội có thể tạo dư luận, truyền thông góp phần giúp cơ quan chức năng vào cuộc sớm hơn.
Còn quan điểm của luật sư Lê Hồng Hiển, đoàn Luật sư TP.Hà Nội: “Việc người mẹ đưa lên mạng xã hội như vậy sẽ giúp cho cơ quan công an sớm vào cuộc. Chưa có cơ sở để xử lý người mẹ vì khi tố cáo, bà này đã được con kể lại toàn bộ sự việc. Nếu đưa người con gần 9 tuổi lên cơ quan công an đối chất, con có thể nhận thức được việc mình có bị tài xế quấy rối hay không…”.
Trước đó, chị L. đã chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện về "trải nghiệm rùng rợn" của con gái mình.
Cụ thể, vào ngày 16/5, chị Nguyễn Thùy L. đặt xe Grab, tài xế là Phạm Văn H. đón con gái đi học như thường lệ từ Trích Sài (quận Tây Hồ) đến Đại Từ (quận Hoàng Mai). Sau khi về nhà, chị L. hỏi chuyện con gái và rất sửng sốt, bất bình khi biết được câu chuyện trong quá trình di chuyển trên đường.
"Theo lời kể của con tôi, trên quãng đường di chuyển, tài xế có hỏi nhiều chuyện với những lời lẽ khiếm nhã. Tài xế hỏi con gái tôi thích màu gì, rồi hỏi tôi thích màu gì? Cháu có bao giờ nhìn thấy ng... mẹ cháu chưa? Có biết mẹ mặc quần trong màu gì không? Thậm chí, tài xế này còn ngỏ ý cho chạm vào quần ch... của con gái tôi"- chị L. kể lại.
Theo chị L., khi tài xế hỏi những câu khiếm nhã như trên, con gái chỉ ngồi im, không trả lời. "Con tôi nói lúc đó sợ lắm, tay cầm chặt điện thoại và trong trường hợp tài xế quay lại thì sẽ nhảy ra khỏi xe. May mắn là chưa có chuyện gì xảy ra. Khi đến trường, con tôi hoảng loạn, sợ hãi lắm"- chị L. cho biết.