Ngư dân bất ngờ rút đơn kiện
Ngày 11/6, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết: “Ban đầu, cơ quan chức năng tiếp nhận 18 đơn khiếu nại 2 công ty TNHH MTV Nam Triệu và công ty TNHH Đại Nguyên Dương của bà con ngư dân tại tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, hiện tại, 7/18 chủ tàu bất ngờ rút lại đơn. Trong số 7 người rút đơn, 5 người ở huyện Hoài Nhơn, 2 người còn lại ở huyện Phù Mỹ và Phù Cát”.
Tuy nhiên, chỉ có 7/18 chủ tàu đồng ý với mức đền bù do 2 doanh nghiệp đưa ra để rút đơn khiếu kiện, 11 chủ tàu còn lại vẫn kiên quyết theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Quyết đi đến cùng để làm rõ khuất tất
Chủ tàu BĐ 99016-TS, ông Lê Văn Thãi cho biết: “Tàu nằm bờ suốt 2 tháng qua nhưng doanh nghiệp biệt tăm tích. Thế nhưng, nghe tin đoàn công tác giám định độc lập về tổng rà soát tàu vỏ thép về Bình Định, công ty TNHH MTV Nam Triệu lập tức cho nhóm thợ về sơn những vị trí gỉ sắt ở cabin, boong tàu. Sau đó, một người giới thiệu là đại diện doanh nghiệp đóng tàu đến nhà thỏa thuận đền bù lúc đầu 100 triệu đồng, sau đó kỳ kèo tăng lên 250 triệu rồi 300 triệu đồng để rút lại đơn khiếu nại. Tuy nhiên, tôi kiên quyết không chấp nhận rút đơn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lý, chủ tàu vỏ thép BĐ 99004-TS cho hay: “Khoảng 10 ngày trước, công ty đưa ra mức đền bù 100 triệu đồng, rồi tăng lên 300, 500, cuối cùng là 600 triệu đồng. Họ đề nghị nếu đồng ý thì lập biên bản cam kết rút đơn bãi nại không kiện cáo gì nữa nhưng tôi nhất quyết không chịu".
Kiên quyết không chấp mức đền bù do các doanh nghiệp đưa ra, ngư dân còn tố cáo các doanh nghiệp “lừa” mình. Trao đổi với PV, ông Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 - TS cho biết: “Ngày 5/6, ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc xí nghiệp đóng tàu của công ty Nam Triệu đã mời tôi đi uống cà phê. Sau đó, họ đề nghị tôi gửi đơn để rút tất cả hồ sơ đã gửi các cơ quan chức năng về việc thẩm định tàu với cam kết phía công ty sẽ sớm lắp máy cho tôi và hỗ trợ 100 triệu đồng.
Đồng thời, họ nói tôi viết văn bản đề nghị và văn bản thỏa thuận nhưng tôi không biết viết. Ngay lập tức, ông Nguyễn Hoàng Tân tự đánh máy rồi đưa tôi ký. Tuy nhiên, khi đọc lại văn bản ông Tân đánh máy, tôi thấy nhiều chỗ chưa phù hợp nên yêu cầu bỏ đi hoặc sửa lại nhưng họ bảo “anh cứ ký”, không sao cả?”.
“Đến ngày 7/6, tôi đã gặp ông Tân để trả lại số tiền. Đơn đều do phía công ty viết, tôi ký. Họ đưa tiền cho tôi mục đích lừa, để tôi tự nguyện gửi đơn cho các cơ quan không thẩm định tàu. Giấy đề nghị rút đơn với mục đích không thẩm định tàu gửi cơ quan chức năng là do ông Tân tự gửi. Vì trong khi ký, tôi nói chờ tôi 3 ngày để hỏi ý kiến gia đình, nếu họ đồng ý tôi sẽ gửi. Thế nhưng, ông Tân đã gửi đơn cho cơ quan chức năng khi chưa hỏi ý kiến của tôi”, ông Sơn bức xúc.
Liên quan đến việc các ngư dân bất ngờ rút đơn khiếu kiện khiến công tác giám định tàu gặp không ít khó khăn, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: "Tôi đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Định dứt khoát phải thẩm định từng con tàu một và có kết luận rõ ràng. Không phải vì ngư dân rút đơn mà chúng ta không làm. Sau khi có kết quả rà soát, giám định độc lập phải nhanh chóng gửi báo cáo vụ việc tàu đóng mới theo Nghị định 67 hư hỏng để Bộ có hướng xử lý trách nhiệm các bên liên quan".
Đề nghị bộ Công an vào cuộc Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện tỉnh đã yêu cầu công an tỉnh vào cuộc, báo cáo để bộ Công an điều tra việc tàu vỏ thép kém chất lượng. Ngư dân, đơn vị đóng tàu hay cơ quan quản lý nhà nước nếu có sai phạm trong việc thực hiện Nghị định 67 thì UBND tỉnh Bình Định cũng đều đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm minh”. |
Trang Chi