Kẻ sát nhân chuẩn bị như thế nào?
Sau vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử hiện đại Mỹ ở khách sạn sòng bạc Mandalay Bay khiến 59 người chết và hơn 500 người bị thương, tại Battlefield Las Vegas, trường bắn theo kiểu quân đội rộng lớn ở Las Vegas vẫn tấp nập người đến trải nghiệm.
Từ súng ngắn, súng tiểu liên đến súng trường tự động và vũ khí hạng nặng, chúng tôi đều có ở Battlefield Las Vegas”, lời quảng cáo mà trường bắn này đăng tải trên mạng.
Và để khách hàng có được trải nghiệm cảm giác mạnh, trường bắn còn đem đến loại súng máy 6 nòng M-134, tốc độ bắn 4.000 viên/phút. Cơ hội được sử dụng súng máy tự động, vốn chỉ có trong quân đội đang trở thành hình thức giải trí phổ biến tại đây.
So với các bang khác ở Mỹ, luật Súng đạn ở Nevada được đánh giá thoáng hơn nhiều. Mọi công dân đều có quyền mang vũ khí để tự vệ, giải trí hay đi săn và được phép mua súng mà không cần đăng ký, cũng như không giới hạn số lượng.
Luật súng đạn Mỹ nghiêm cấm việc sử dụng vũ khí quân dụng, súng trường tự động cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, người dân nước này dễ dàng dùng thiết bị phụ trợ để biến súng trường bán tự động thành vũ khí nguy hiểm. Các thiết bị phụ trợ lại không hề bị cấm ở Mỹ.
Luật Súng đạn Mỹ từ năm 1986 chỉ quy định, súng máy tự động là loại bóp cò một lần và bắn được nhiều phát đạn. Sử dụng thiết bị phụ trợ để tăng tốc độ bóp cò đến mức tối đa không được coi là vi phạm lệnh cấm. Hơn nữa, người dân Mỹ cũng có thể lùng mua loại súng trường tự động hoàn toàn ở thị trường chợ đen.
Sau khi vụ thảm sát ở Mandalay Bay diễn ra, thông tin nghi phạm Paddock mang hàng chục khẩu súng lên phòng khách sạn khiến cả thế giới bàng hoàng. Câu hỏi đặt ra, vì sao không ai phát hiện ra hành động nguy hiểm của kẻ sát nhân tàn độc này?
Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này không có gì khó khăn với bất cứ ai khi ở Las Vegas. Bởi lẽ, mạng lưới an ninh ở các khách sạn nơi đây không được thiết kế để ngăn chặn các hành vi có thể dẫn tới những kịch bản như vụ xả súng đẫm máu hôm 1/10.
Hầu như mọi người vào một khách sạn sòng bạc tại Las Vegas mà không bị chặn lại để kiểm tra, hay phải bước qua máy dò kim loại. Ngoài lực lượng bảo vệ mặc âu phục đứng ở các tầng, các sòng bạc ở Las Vegas từ lâu vẫn miễn cưỡng trong việc tăng cường các biện pháp kiểm soát an ninh vì lo sợ điều này có thể khiến khách du lịch e ngại.
Các khách sạn, sòng bạc ở Las Vegas giám sát khách bằng hàng nghìn camera đặt ở các bàn chơi hoặc một số khu vực khác bên trong khách sạn.
Nhân viên có thể xem các đoạn băng được ghi lại từ camera để phát hiện các hành vi gian lận hoặc khả nghi trong quá trình đánh bài của hành khách. Tuy nhiên, họ không thể theo dõi tất cả các ngóc ngách bên trong khách sạn, hoặc sòng bạc cùng một lúc.
Theo các chuyên gia an ninh, Paddock không thể đưa cả kho vũ khí lên phòng nếu khách sạn có máy dò kim loại, hoặc quy trình tiêu chuẩn an toàn khách sạn Mỹ giúp phát hiện khách mang vũ khí vào phòng.
Angela Hrdlicka, cựu đặc vụ Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS), hiện là tư vấn an ninh về công viên và thể thao chuyên nghiệp cho biết: "Có thể mang một khẩu súng trường tháo rời trong một va li nhỏ. Chẳng ai thắc mắc với người mang túi gậy golf, hoặc cái gì đó như túi trượt tuyết lớn. Theo lượng đạn Paddock đã xả xuống, người này đã đưa nhiều lần, hoặc phải có xe hành lý chở hết số vũ khí đó".
Giới chuyên gia an ninh phân tích, chính vì lỗ hổng an ninh này mà nghi phạm Stephen Paddock có thể gây ra vụ tấn công khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Những cái chết tức tưởi và tranh cãi sở hữu súng
Số người thiệt mạng vì bạo lực súng đạn ở Mỹ rất lớn và không ngừng tăng. Dù vậy, dường như vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy Mỹ sẽ “xét lại” vấn đề sở hữu vũ khí của công dân.
Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết, việc sở hữu súng đạn ở Mỹ đã "ăn sâu bám rễ" vào đời sống người dân. Sử dụng một khẩu súng được cho là quyền lợi cơ bản của một công dân. Điều này đã được ghi vào Hiến pháp Mỹ, dưới sự bảo vệ của Hiến pháp, không thể cấm người dân sở hữu súng đạn.
Ngược lại, do bạo lực bùng phát, khó khăn trong kiểm soát súng đạn, khi xảy ra các vụ xả súng đẫm máu, người dân cảm thấy không an toàn, do đó buộc họ phải đi mua súng. Và như thế, một vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn.
Những vụ tấn công gây nhiều thương vong trên đất Mỹ trong thời gian qua cũng làm khởi phát cuộc tranh luận về việc cần thiết xây dựng luật Chống khủng bố nội địa.
Luật Mỹ xác định, một phần tử khủng bố khi có quan hệ với một thực thể nước ngoài, như các nhóm Hồi giáo cực đoan hoặc khủng bố. Vì lẽ đó nên các nhóm cực đoan nảy nở trong lòng nước Mỹ không bị coi là khủng bố, kể cả khi chúng thực hiện những phương thức bạo lực và đe dọa tương tự.
Nhìn chung, Mỹ nói xét xử những vụ án này theo tội danh khác như giết người. Theo Giám đốc cục Tình báo Trung ương Mỹ (FBI) Chris Wray, việc xét xử theo tội danh hình sự “đơn giản, dễ dàng, nhanh gọn hơn và tốn phí nguồn lực ít hơn” so với tội khủng bố nội địa, trong khi thủ phạm vẫn phải nhận án phạt tương xứng với tội ác chúng gây ra.
Vụ thảm sát đẫm máu ở Las Vegas đặt ra thách thức lớn với ông Donald Trump khi người dân Mỹ đang chờ xem vị Tổng thống của họ có thể hàn gắn chia rẽ và khơi dậy sự đoàn kết trên cả nước hay không, liệu ông có thể chữa lành những tổn thương lớn do kẻ bắn người hàng loạt gây ra.
Ông Trump cũng đứng trước nhiều khó khăn khi những người không ủng hộ đang tấn công vào quan điểm của ông về luật sở hữu súng đạn, đặc biệt sau tuyên bố của ông “chưa phải lúc để kiểm soát súng đạn” sau vụ thảm sát.
Xem thêm >> Tiết lộ về kế hoạch rùng rợn của nghi phạm vụ thảm sát Las Vegas