Trước khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vấn nạn buôn lậu ma túy diễn ra khắp nơi. Điều đáng nói là ngoài những tên "cò con" thì cũng có rất nhiều tập đoàn của các ông hoàng, bà chúa hoặc trực tiếp hoặc đứng sau để chỉ đạo thực hiện việc buôn lậu ma túy.
Việc buôn bán thuốc phiện ở Việt Nam theo chân người Pháp và lan rộng ra toàn cõi Đông Dương. Vấn nạn này được tiếp tục khi Bảo Đại làm Quốc trưởng. Bảo Đại đã cấu kết với Thủ lĩnh Bình Xuyên cùng Phong Nhì Pháp tạo nên thế chân kiềng để buôn bán ma túy, thu về khoản lợi nhuận kếch xù.
Bảy Viễn, Thủ lĩnh Bình Xuyên.
Sở Độc quyền Thuốc phiện
Trong cuốn The Politics of Heroin in Southeast Asia (Nền chính trị ma túy ở Đông Nam Á), tác giả Alfred W. McCoy cho biết, người dân đã biết tới và hút thuốc phiện từ trước thế kỷ 19 nhưng hầu như không có người buôn bán thuốc phiện. Vấn nạn buôn bán thuốc phiện ở nước ta chỉ thật sự diễn ra khi những chiếc tàu chở nha phiến của người Anh trong chuyến hải trình cung cấp cho thị trường Trung Hoa và có ghé lại tại một số bến cảng của Việt Nam.
Một số con buôn đã tìm cách liên kết với thương nhân người Hoa để bán nó cho những người nghiện hút nha phiến. Nhờ đó mà thuốc phiện được đưa vào nước ta, nảy sinh mối quan hệ buôn bán từ đây.
Ông Nguyễn Mạnh Quang, một Việt kiều Mỹ cho biết, đến năm 1820, triều đình Huế đã ban hành lệnh buôn bán thuốc phiện. Và từ đó vấn nạn buôn bán thuốc phiện chính thức hình thành và phát triển khá mạnh mẽ. Nhưng đến năm 1858 thực dân Pháp và đồng minh đã tấn công xâm lược nước ta, trước sức mạnh về quân sự vượt trội của quân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đầu hàng quân Pháp, chấp nhận ký với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất 1862 với nhiều điều khoản có lợi cho Pháp, trong đó có việc đưa thuốc phiện vào buôn bán trong nước và toàn vùng Đông Dương.
Từ đây, việc buôn bán thuốc phiện được chính thức hợp thức hóa và được mở rộng ra toàn cõi Đông Dương với khoản lợi nhuận thu lại khổng lồ. Nhận thấy lợi ích đó nhà cầm quyền còn độc quyền trong việc xuất, nhập khẩu, chế biến, phân phối và khuyến khích buôn bán thuốc phiện cho khách hàng tiêu thụ, đặc biệt trong khoảng thời gian khi Paul Doumer làm Toàn quyền Đông Dương (12/1896 - 4/1889) cho đến sau năm 1945.
Ông Phan Nghĩa Huỳnh, một người nghiên cứu về Sài Gòn xưa cho rằng, vấn đề Pháp đưa thuốc phiện vào tiêu thụ và buôn bán ở Đông Dương ngoài việc thu lại lợi nhuận khổng lồ thì còn nhằm đầu độc nhân dân ta, bằng cách bơm thuốc phiện, làm suy giảm ý chí chiến đấu, tinh thần chống giặc ngoại xâm.
Trong khoảng thời gian khi làm Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer đã có những bước cải tiến đối với việc buôn bán thuốc phiện như giảm chi ngân sách cho những khoản khác và tiến hành khuyếch trương, mở rộng hệ thống buôn bán thuốc phiện bằng cách tập trung 5 cơ quan phụ trách việc lo liệu, kinh doanh nha phiến thành một và gọi đó là Sở Độc quyền Thuốc phiện.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông ta còn cho thiết lập nhà máy chế biến đặt tại Sài Gòn với mục đích nhập thuốc phiện sống từ Ấn Độ về chế biến lại và bán cho người nghiện sử dụng. Một hình thức khác được Doumer thực hiện là việc thu mua lại những loại thuốc phiện giá rẻ từ Vân Nam (Trung Quốc), mở thêm các tiệm hút và các tiệm bán lẻ để đáp ứng nhu cầu.
Alfred W. McCoy còn thống kê được, chỉ trong năm 1918, cả nước có đến 1.512 tiệm hút, 3.098 tiệm bán lẻ. Những cải cách của Doumer làm cho việc buôn bán thuốc phiện ngày càng phát triển đi lên tạo niềm tin cho chính quyền Pháp tiếp tục đầu tư kinh doanh vào Đông Dương bằng việc xây dựng tuyến đường xe lửa nối liền Đông Dương với Vân Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương, vận chuyển thuốc phiện.
Trong những năm 1920 đến 1930 ở một số nước trên thế giới cùng chung tay vào cuộc chiến chống "tội ác thuốc phiện" nên một số chính quyền thuộc địa ở Đông Nam Á đã giảm hoặc ngưng việc tiêu thụ thuốc phiện thì ở Đông Dương chính quyền thuộc địa Pháp vẫn ngang nhiên tiếp tục công việc mua bán coi như không có chuyện gì xảy ra.
Cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng vào năm 1929 do thuế thu nhập giảm, mức lợi tức của dịch vụ buôn bán thuốc phiện ở Đông Dương được người Pháp nâng lên với mục đích quân bình ngân sách. Và lợi tức thu nhập thu lại từ dịch vụ kinh doanh luôn tăng, thậm chí tăng lên đến 15% trong tổng số tiền thuế thu nhập ở Đông Dương năm 1938.
Quốc trưởng Bảo Đại.
Những quyền lực mang tên bạch phiến
Ông Huỳnh nhớ lại, Quốc trưởng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam không chỉ nổi tiếng là ông hoàng ăn chơi, rửa tiền trong các sòng bạc nổi tiếng mà còn là người lãnh đạo trong việc buôn lậu, với những vụ làm ăn phi pháp, bất chính. Để thỏa mãn những thú vui, vị vua cuối cùng của triều đình Huế đã có những cuộc buôn tiền lớn được nhà cầm quyền che chở trong đó có buôn lậu thuốc phiện.
Những năm 1945 đến 1954, khi đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì Bảo Đại được mời làm Quốc trưởng cho Chính phủ bù nhìn Nam Kỳ. Thời gian làm Quốc trưởng, Bảo Đại cùng với Phòng Nhì Pháp cấu kết với Bảy Viễn thủ lĩnh của Liên khu Bình Xuyên chủ trương thực hiện các vụ làm ăn bất chính như thâu tóm các sòng bạc lớn ở Sài Gòn đặc biệt Đại Thế Giới vào tay mình.
Cũng theo ông Huỳnh thì Bảo Đại cho tái lập việc nhập cảng lậu thuốc phiện, xây dựng lại những cơ sở chế biến, hoạt động trở lại hệ thống phân phối, mở mang các tiệm hút... Sau năm 1950, Bảy Viễn được Pháp giao cho việc làm ăn vô cùng béo bở về thuốc phiện. Ngay lập tức lực lượng Bình Xuyên do Bảy Viễn cầm đầu đã cho khởi công ngay công xưởng dùng để chế biến thuốc phiện sống.
Những triều đại nối gót Nếu như ở miền Bắc chỉ có vua Mèo (Hà Giang) trồng thuốc phiện thì ở miền Nam, Quốc trưởng Bảo Đại lại làm trùm trong những năm 1950. Những năm tiếp theo đến trước tháng 4/1975, dưới sự cai trị của chính quyền độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm thuốc phiện được buôn bán rộng rãi và bất chấp những tác hại và hậu quả do nó gây ra. Sau biến cố đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm thì việc kinh doanh mua bán thuốc phiện ở miền Nam vẫn tiếp tục duy trì cho đến năm 1975. |
Số lượng hàng hóa này là do các lực lượng phụ lực Pháp chuyển về Sài Gòn nhưng chủ yếu vẫn là thuốc phiện sống do người Mèo (Hà Giang ngày nay) sản xuất. Để cho công việc buôn bán ma túy cũng như buôn tiền được thuận lợi, với cái ghế Quốc trưởng, Bảo Đại đã can thiệp Bộ Chỉ huy viễn chinh Pháp phong hàm thiếu tướng cho Bảy Viễn. Dường như để khẳng định vai trò của Bảy Viễn, đích thân Bảo Đại đã gắn lon tướng trước sự chứng kiến của nhiều nhân vật cao cấp Pháp lẫn Việt.
Theo những hồ sơ sau này được công bố, nhằm đảm bảo quyền lợi của mình cho chắc chắn hơn, Bảo Đại còn nhận Bảy Viễn làm em nuôi và ông đã ký sắc lệnh giao cho Lại Văn Sang là đàn em thân tín Bảy Viễn làm Giám đốc Cảnh sát Quốc gia. Khi nắm quyền lực trong tay và được hậu thuẫn bởi quốc trưởng Bảo Đại, Bảy Viễn đã đứng ra đấu thầu và chiến thắng giành quyền quản lý Đại Thế Giới, sòng bạc lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, Đại Thế Giới chỉ mang vỏ bọc bên ngoài là sòng bạc nhưng thực chất bên trong nó là tụ điểm của đường dây buôn lậu, đồng thời cũng là cơ sở chế biến thuốc phiện. Do đó, sòng bạc Đại Thế Giới được xem như là trung tâm buôn lậu, làm ăn phi pháp của Bảo Đại và Bảy Viễn.
Hoạt động bất chính trên chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn đến tháng 10/1955, khi Ngô Đình Diệm do Mỹ đứng sau hậu thuẫn đã phế truất Bảo Đại khỏi vị trí Quốc trưởng, đánh đuổi Bảy Viễn tiêu diệt lực lượng Bình Xuyên cùng các giáo phái. Cuối cùng việc buôn bán thuốc phiện, ma túy lại rơi vào tay Ngô Đình Nhu kiểm soát và những người lãnh đạo sau này tại miền Nam Việt Nam.
Trung Nghĩa
Kỳ 2: Trung tâm cung cấp thuốc phiện lớn nhất thế giới dưới chế độ đạo phiệt Da - tô và gia đình trị