Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền, văn phòng luật Thiên Thanh cho biết, trước hết khẳng định rằng, không ai chấp nhận hành vi của người thầy trong môi trường ngoài xã hội chứ đừng nói đến môi trường học đường. Tuy nhiên khi nói đến luật thì cần phải minh thị mấy vấn đề.
Trước hết phải hiểu thế nào cho đúng khái niệm: Hiếp dâm, Cưỡng dâm, Dâm ô và Giao cấu?
Hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân (Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Cưỡng dâm là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc vào mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác (Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Giao cấu là hành vi quan hệ tình dục. Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý hình sự (Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Dâm ô được hiểu là hành vi dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn dục vọng của mình (đụng chạm bộ phận sinh dục của nạn nhân…) nhưng không giao cấu với nạn nhân. Hành vi dâm ô bị coi là tội phạm nếu nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi và người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên (Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015).
Tuy nhiên khó ở chỗ, các bộ phận như: mông, đùi, má, tai ai dám khẳng định nó là "bộ phận sinh dục". Hay đơn cử như đôi môi khi sờ hay hôn lên đó, thì các cơ quan tiến hành tố tụng của ta cũng sẽ vô cùng bối rối nếu chẳng may gặp luật sư đề nghị làm rõ khái niệm "bộ phận sinh dục".
Ngay trong Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02 tháng 01 năm 1998, dâm ô là hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó - Đây là văn bản duy nhất có hướng dẫn về hành vi “dâm ô” đã hết hiệu lực cũng không thể áp dụng trong trường hợp này, rất dễ dẫn đến oan sai.
Bởi vậy “quấy rối tình dục” có lẽ khái niệm này sẽ là căn cứ phù hợp nhất với hành vi của ông thầy trong trường hợp này.
Luật Việt Nam chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào từ hành chính, đến hình sự có chế tài chính xác cho khái niệm "quấy rối tình dục" này.
Ngay bộ quy tắc về "quấy rối tình dục" do bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI làm ra từ năm 2015 hầu như không thực thi nổi trên thực tế và đọc từ đầu đến cuối thì cũng không thấy áp dụng cho môi trường học đường như trường hợp này.
Duy nhất có một quy định tại điều 5 nghị định 167/2013 có vẻ giống giống để áp dụng xử phạt hành chính thì cũng khá khiên cưỡng, vì Điều 5 Vi phạm quy định về trật tự công cộng quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây (có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác).
Nhận định về vụ việc trên, luật sư Trương Thanh Đức, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, việc xác định tội danh trong trường hợp này là rất khó. Tuy nhiên công an nên vào cuộc sâu hơn để có những chứng cứ xác thực hơn. Từ đó có những căn cứ rõ ràng để xử lý với người thầy trong trường hợp này.