Bà Mạc Diệu Lan – Phó Chánh văn phòng Sở Nội vụ Kiên Giang, kiêm kế toán của Sở này – vừa bị phát hiện “thụt quỹ” hơn 400 triệu đồng.
Cụ thể, trong 6 năm, từ tháng tháng 9/2010 đến tháng 9/2016, bà Lan đã dùng nhiều cách thức để qua mặt lãnh đạo Sở Nội vụ, cùng bộ phận kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước tỉnh Kiên Giang để chiếm dụng 424 triệu đồng từ việc chi tiền lương cho cán bộ, công nhân viên chức cơ quan.
Tới khi bị kiểm tra, bà Lan đã thừa nhận “tội lỗi” và nộp lại số tiền đã chiếm đoạt…
Thoạt nghe, nhiều người sẽ rất phẫn nộ vì một người có thể “dùng tay che cả bầu trời” để gian dối trong suốt thời gian dài như vậy.
Nhưng… nghe kỹ hơn, người ta lại càng phẫn nộ hơn nhiều, vì thể theo báo cáo xử lý vừa được công bố của Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang, thì phần đầu nêu rất mạnh mẽ “Hành vi sai phạm của bà Lan rất nghiêm trọng và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, song đến kết luận thì những người có trách nhiệm lại cho rằng bà Lan là người có… nhân thân tốt, nên chỉ kỷ luật cách chức chứ không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lối xử ấy, rõ là giơ cao đánh khẽ, song trong trường hợp này, việc đánh khẽ có hợp lý?
Thứ nhất, trách nhiệm của sự việc có lẽ không thể chỉ dồn vào một mình bà Lan, bởi chắc chắn dù nữ kế toán này có mưu cao kế sâu tới đâu chăng nữa, thì khó có thể qua mặt suốt 6 năm trước cả một hệ thống giám sát, quản lý của Sở Nội vụ cho tới Kho bạc Nhà nước tỉnh Kiên Giang, cùng những đoàn kiểm toán luôn có mặt hằng năm.
Vậy lỗ hổng đó là gì? Chủ quan hay khách quan? Bản báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang không hề chỉ ra điều này. Mà nếu vậy, chẳng lẽ họ lại chờ có thêm một vụ thụt két với quy mô lớn hơn để rút kinh nghiệm kỹ hơn?
Thứ hai, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nên việc chiếm đoạt tiền của Nhà nước khó có thể “tha thứ” bằng lý do rất kỳ lạ là... “nhân thân tốt”.
Bà Lan tốt tới đâu khi sự sai phạm cá nhân đã kéo dài suốt 6 năm (và có thể hơn nữa nếu chưa bị phát hiện)? Có lẽ những người vẽ ra bản báo cáo trên đã quên không nhấn mạnh rằng nhân thân tốt ấy là từ trước tháng 9/2010…
Vì thế, dù nói gì thì nói, kiểu lý giải trên chắc chắn không thể thuyết phục được dư luận. Bởi giờ đây, những người đang làm trong bộ máy nhà nước và cảm thấy mình có nhân thân tốt sẽ rất dễ bị… dao động.
“Mình có nhân thân tốt, hay là cứ đánh liều ‘làm bậy” như chị Lan, may thì thoát mà hưởng, không may thì trả tiền lại, rồi mang cái hồ sơ nhân thân ra là… thoát tội!” – Hy vọng suy nghĩ này chưa xuất hiện trong đầu của những cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Sở Nội vụ Kiên Giang nói riêng, và bộ máy nhà nước nói chung, sau quyết định xử phạt sặc mùi “tình nghĩa” đã nêu.
Gần đây, Kiên Giang đã trở thành một từ khóa “hot” trên các mặt báo bởi vụ xe sang Range Rover dạng tang vật bị Công an tỉnh Kiên Giang tịch thu rồi treo biển xanh và mang cho lãnh đạo UBND tỉnh này mượn đi tạm cho… tiết kiệm.
Tới giờ lại là vụ thụt quỹ của một nữ cán bộ “nhân thân tốt nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Thành ra, câu nói “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” bỗng trở thành một khẩu hiệu ngày càng xa xỉ và khó thuyết phục, nếu còn tồn tại những kiểu xử lý kỳ lạ như đã nói ở trên.
Bút Lãng
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả