Báo Tiền Phong đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về kiểm soát, ngăn chặn hành vi tiêm tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm chứa tạp chất.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ các cơ sở thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh thủy sản trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đưa tạp chất vào tôm và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo việc vận động, tổ chức cho các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm tại địa phương ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm vạ không sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Đặc biệt, với các địa bàn trọng điểm là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo hoàn thành ký cam kết đối với 100% các cơ sở này, kể cả các cơ sở thuộc đối tượng quản lý của cấp huyện, xã.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ động phối họp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, định kỳ tổ chức các đợt thanh tra liên ngành về hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện nhiệm vụ xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và hướng dẫn xử lý theo Bộ Luật hình sự. Trường họp không xác định được tội danh, chủ động đề xuất giải pháp với cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Công an tiếp chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động, tích cực phối họp với các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp điều tra, triệt phá dứt điểm các đối tượng, cơ sở đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất; các đối tượng nước ngoài thực hiện các hoạt động mua, bán, thuê gia công, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm tốm trái quy định của pháp luật
Trước đó, nhiều vụ bơm tạp chất vào tôm đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành gây rúng động dư luận.
Báo An ninh thủ đô cho biết, khoảng 1h sáng ngày 30/3, tổ công tác của Đội 4, Phòng CS phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh thủy sản Thanh Ngát (địa chỉ xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn), phát hiện nhân viên của cơ sở đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, thu giữ phương tiện và hơn 100kg tôm đã được bơm tạp chất cùng nhiều vật chứng liên quan.
Khai báo với cơ quan chức năng, bà Ngát – Chủ cơ sở kinh doanh thủy sản Thanh Ngát cho biết, cơ sở này hoạt động từ tháng 8/2018 đến nay.
Dẫn chứng lời khai của nhân vật, báo Tuổi trẻ cho hay, mỗi ngày bà Ngát chỉ đạo 3-4 nhân viên bơm tạp chất vào 50 – 80kg tôm để đưa vào nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận tiêu thụ kiếm lời.
Tờ Zing hôm 10/1 cũng đăng tin, tối 9/1, Phòng cảnh sát môi trường (Công an TP Hải Phòng) phối hợp cùng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) kiểm tra một điểm buôn bán kinh doanh ở phường Tràng Cát, quận Hải An. Cơ sở do bà Nguyễn Thị Hạnh làm chủ.
Thời điểm đó, bà Hạnh cùng hai người làm thuê là Nguyễn Văn Nên và Trần Văn Thức (ở Yên Bái) đang tiêm trực tiếp bơm tạp chất vào 60 kg tôm đã chết.
Đoàn kiểm tra đã tịch thu 60 kg tôm đã bơm tạp chất, 1 máy nén khí, 1 bình chứa tạp chất, gần 30 xi lanh... Ảnh: Tùng Chi.
Nhóm người này thừa nhận hàng ngày đi mua gom tôm chết ở các quận Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh… sau đó bơm tạp chất vào để tăng trọng lượng rồi giao đến các nhà hàng, khách sạn, cơ sở ăn uống trên địa bàn Hải Phòng và các tỉnh lân cận để kiếm lời.
H.Y (tổng hợp)