Tôi tin nếu dư luận không dậy sóng thì cái văn bản "quái gở" mang tư duy và nhận thức "ngồi trên luật" do ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ban hành quy định: Du khách không được chia sẻ, đưa tin trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về dịch Covid-19 tại cơ sở dịch vụ du lịch, sẽ không bị hủy trong vòng "một nốt nhạc" như thế. Một văn bản của cơ quan quan trọng thuộc bộ VHTT&DL chỉ "sống" vỏn vẹn 2 ngày nhưng đã lộ rõ rất nhiều vấn đề, trong đó có cả trách nhiệm của người ký.
Đáng chú ý, Quyết định hủy văn bản còn rất gấp gáp, ra đúng ngày 1/5 khi cả thế giới nghỉ Quốc tế Lao động. Tất nhiên, việc sửa sai, cầu thị rất đáng ghi nhận nhưng như thế không có nghĩa là mọi việc sẽ bớt nóng lại rồi chìm xuồng hoặc xử lý theo kiểu hòa cả làng.
Có lẽ, sẽ chẳng ai nhớ đến tên ông Nguyễn Trùng Khánh ban hành Quyết định số 473/QĐ - TCDL nếu như nó không có quy định "trái khoáy" trong vấn đề phòng, chống dịch Covid-19.
Quyền tự do thông tin và được thông tin đã mặc định trong Hiến pháp 2013 và luật Tiếp cận Thông tin (hiệu lực từ 1/7/2018), ông Khánh đã bỏ qua hoặc là bỏ quên hay cũng có thể là không biết đến nó trước khi đặt bút ký quyết định dậy sóng kia. Chỉ ông mới biết rõ vì sao.
Nhưng có một điều mà cả xã hội biết chỉ ông không biết khi đặt bút ký văn bản, ấy là việc không nên cấm và cũng không thể cấm chia sẻ thông tin về dịch bệnh Covid-19 được - dù với hìn thức nào và hoàn cảnh nào. Chính phủ, Nhà nước thông qua các văn bản khẩn cấp cùng với truyền thông đã tuyên truyền rất mạnh mẽ đến người dân khắp mọi miền của Tổ quốc về chủ trương không giấu giếm dịch bệnh, công khai, minh bạch mọi thông tin chính xác, tránh kẻ xấu lợi dụng đưa tin thất thiệt, hoang mang dư luận.
Không những thế, việc người dân, du khách khai báo y tế chính xác, chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển, vùng đến và đi du lịch, tránh trường hợp ủ bệnh có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng còn được khuyến khích thường xuyên, thậm chí cán bộ không quản vất vả khó khăn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để xác thực về những nơi một người đã đi hoặc đến khi lưu trú, trong đó có việc đi du lịch.
Những người giấu giếm không những bị lên án mà còn có chế tài xử phạt nghiêm minh. Bởi hiểm họa một người cố tình che giấu thông tin cá nhân, nhất là lịch trình di chuyển của bản thân đã có và cực kỳ nghiêm trọng: Nhiều người lây bệnh, hàng nghìn người phải cách ly, ngân sách và nguồn lực cán bộ tham gia quá trình cách ly và chữa trị bệnh là vô cùng lớn.
Nếu không thể nổi tiếng bằng trí tuệ, đạo đức và phong cách hơn người thì thiết nghĩ cũng xin đừng để bản thân được biết đến bằng những việc thể hiện bản thân không có được những điều đó.
Đừng đổ lỗi tại người đánh máy nữa, đã đến lúc cần có cam kết rõ ràng của chính người ký văn bản trước khi văn bản đó được ban hành. Hãy cam kết bằng cả uy tín, danh dự, trách nhiệm và "chiếc ghế" của mình, bởi một văn bản ban hành tác động đến nhiều người, nhiều đối tượng chứ không chỉ là một tờ giấy A4 khô khan. Cam kết đọc và hiểu văn bản mình sẽ ký đồng nghĩa với việc không thể có ai đó chịu trách nhiệm thay cho lỗi lầm của người khác.
Trao đổi với báo chí về quyết định hủy bỏ quy định có nội dung gây phẫn nộ kia vào chiều 1/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nói bản hướng dẫn trước đó "có chút sơ suất" do phải xây dựng văn bản trong tình trạng gấp gáp.
Tôi thì lại nghĩ khác, càng gấp gáp, càng là vấn đề hệ trọng thì càng cần xem xét kỹ lưỡng và chỉn chu. Đến bao giờ, các vị công bộc mới sẵn sàng chịu trách nhiệm, thừa nhận "tôi sai" chứ không phải vì điều này điều khác làm cho tôi không đúng?
Những quyết định ngồi trên luật là bởi tư duy tạo dấu ấn nhiệm kỳ của người đứng đầu hay là do trình độ hiểu biết năng lực có hạn. Lý do nào cũng là đáng bị kỷ luật cả.
Quyết định kỷ luật khiển trách vị Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vì ký văn bản yêu cầu "báo cáo công tác hỏa táng mùa dịch Covid-19" còn chưa ráo mực thì nay, ông Tổng cục trưởng tổng cục Môi trường lại ký một văn bản với những điều ngớ ngẩn, tưởng như trò đùa, khiến dư luận hết sức hoang mang.
Phải chăng, hình thức kỷ luật khiển trách là chưa đủ sức răn đe nên đã tạo tiền lệ xấu trong việc "nhắm mắt ký" của một bộ phận công chức làm lãnh đạo hiện nay?
Để không có thêm những vụ việc F1, F2 như vụ việc xảy ra ở sở Tài nguyên và Môi trường hay Tổng cục Du lịch, nên chăng cần hình thức xử lý kỷ luật mạnh hơn nữa?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!