Đã có nhiều gia đình bị trao nhầm con. Có gia đình may mắn tìm được con, có gia đình sau mấy chục năm vẫn chịu nỗi đau thất lạc con. Nhưng ngay cả khi tìm lại được con ruột, họ và những đứa trẻ vẫn đang phải chịu những nỗi đau và những bủa vây vô hình.
Vụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) đã được gia đình phát hiện và báo với bệnh viện nhiều tháng nay. Tuy nhiên, đến nay hai bé vẫn chưa được trả về đúng bố mẹ ruột của mình.
Câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm của bệnh viện trong vụ việc này như thế nào? Và hơn hết, cái người ta quan tâm là tương lai của những đứa trẻ kia sẽ đi về đâu.
Hành trình để biết đến sự tồn tại của con đã đủ trắc trở và có những sự việc đau lòng đã xảy ra, nhưng để đi đến giây phút đoàn tụ cũng không kém phần tréo ngoe, đẫm nước mắt. Cả 2 gia đình đã và đang phải gồng mình vượt qua những khó khăn, khác biệt, mà khả năng giải quyết đôi khi vượt ngoài tầm với.
Những gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về mặt vật chất. Những chi phí này sẽ được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Thế nhưng liệu ai có thể cân đong đo đếm chính xác được những tổn thất về tinh thần mà họ đã hứng chịu trong suốt những năm qua. Vì đứa con bị trao nhầm mà vợ chồng nghi ngờ nhau khiến hôn nhân đổ vỡ; hoặc vì lời gièm pha, đàm tiếu của những người xung quanh mà khiến tinh thần của họ sa sút, cuộc sống bị dở dang…
Rồi liệu những đứa trẻ thơ ngây kia có biết đến chuyện “động trời” đang trực tiếp gây ảnh hưởng đến tương lai chúng mà những nhân vật chính lại không hề hay biết. Chúng còn quá nhỏ để hiểu hết vấn đề bởi đơn giản ngay cả những người lớn như chúng ta cũng đang loay hoay chưa tìm được nút thắt để gỡ giải.
Bỗng vào một ngày đẹp trời, người ta đến và nói với bọn trẻ rằng đây không phải bố mẹ đẻ chúng, rằng chúng không phải con của họ, rằng gia đình thật của chúng đang ở một nơi khác…? Liệu có ai chấp nhận nổi cú sốc như sét đánh bên tai vậy hay không huống gì là những đứa trẻ còn ăn chưa no, lo chưa tới.
Có ai chịu trách nhiệm về tuổi thơ của chúng, có ai đảm bảo rằng lớn lên chúng sẽ không có vết hằn buồn trong quá khứ. Vì một nhầm lẫn không đáng có khiến một đứa trẻ lớn lên thiếu tình thương của cha, sự chăm sóc đủ đầy của gia đình và bây giờ lại chịu thêm cú sốc lớn hơn rằng người mà em vẫn gọi là mẹ, vẫn bám đuôi mỗi ngày, thật ra lại là mẹ của một bạn khác chứ không phải em?
Và liệu những người cha, người mẹ kia, nhiều năm trước bị trao nhầm con, giờ nhận lại con ruột nhưng họ có thể đang tâm vứt bỏ đứa con mình nuôi nấng chăm sóc bấy lâu hay không? Và rồi khi tìm được con ruột, họ phải đối diện với hàng nghìn khó khăn để đưa các con hòa nhập với gia đình mới như thế nào?
Có quá nhiều góc khuất và những hệ lụy đằng sau sự cố nhầm lẫn kia. Những nỗi đau vẫn khắc khoải khi tìm được con, tâm can cứ giày xéo những người trong cuộc.
Đằng sau câu chuyện ấy, nhiều người sẽ băn khoăn làm sao để 2 bé không bị tổn thương khi còn quá nhỏ để thích nghi và chấp nhận sự thật này. Sự việc vẫn chưa đến hồi kết, nhưng tất cả đều mong sao tuổi thơ của các bé không bị xáo trộn và còn gì vui hơn nếu như chúng có thêm một gia đình thứ 2 bên cạnh. Khi đó sẽ chẳng còn những khổ đau bủa vây, sẽ chẳng có sự chia ly nào xuất hiện và tình thương sẽ được nhân đôi.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!