Dư luận đang xôn xao câu chuyện về việc bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm con cho gia đình anh Phùng Giang Sơn (trú ở thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) và chị Vũ Thị Hương (trú ở xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) vào ngày 1/11/2012.
Tuy sự việc nhầm lẫn hy hữu này đã xảy ra 6 năm, đến nay mới được phát hiện gây tổn thất lớn cho cả hai gia đình. Có gia đình, vì người chồng nghi ngờ đứa con nhầm lẫn đó không phải là con ruột, không giống cha nên xảy ra cãi vã, ly hôn. Cho đến khi gia đình đưa cháu bé đi xét nghiệm ADN thì mới phát hiện sự việc bị trao nhầm con.
Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra về vấn đề bồi thường thiệt hại như thế nào? Căn cứ vào đâu? Và góc độ tình cảm nên giải quyết ra sao?...
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Thế Truyền (công ty luật hợp danh Thiên Thanh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Trước hết, muốn bồi thường được thì phải xác định yếu tố có lỗi đã, lỗi đó thuộc về bên nào. Trong trường hợp đã xác định có lỗi rồi thì phải tiếp tục chứng minh lỗi đó có gây thiệt hại hay không. Cũng cần nói rõ, thiệt hại này là thiệt hại thực tế, phải tính toán được, chứ không thể chung chung.
Tuy nhiên, theo Bộ luật Dân sự 2015 quy định khá rõ, khá mở việc bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần. Tôi nghĩ, trong sự việc trao nhầm 2 cháu bé ở bệnh viện Ba Vì thì cũng chỉ nên bồi thường thiệt hại về tinh thần và thuộc dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Luật sư Truyền chia sẻ thêm: “Đây là câu chuyện mang nặng về tình cảm. Tính nhân văn ở đây là làm thế nào để giúp cho 2 cháu bé về với gia đình bố mẹ đẻ và làm sao để chăm sóc tốt nhất cho 2 cháu, để các cháu phát triển tâm sinh lý bình thường… Đó mới là điều nhân văn mà chúng ta nên bàn. Chúng ta hãy nhìn nhận dưới góc độ rằng 1 cháu bé đáng ra có 1 bố và 1 mẹ thì bây giờ có thêm người thân nữa, thành ra có 2 bố, 2 mẹ cùng yêu thương mình. Các bậc phụ huynh cũng thế, bây giờ lại có thêm 1 đứa con nữa”.