Dư luận đang xôn xao trước vụ việc trao nhầm con tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì, TP.Hà Nội. Theo đó, vào đêm 31/10 – rạng sáng 1/11/2012, anh Phùng Văn Sơn (SN 1990, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội) đưa vợ đến sinh con tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Sau đó, bệnh viện đã giao nhầm hai đứa trẻ sơ sinh là con của anh Sơn và con của chị Vũ Thị Hương (SN 1989, trú tại huyện Ba Vì) với nhau. Sau 6 năm, sự thật bắt đầu được hé lộ khi anh Sơn nghi ngờ và quyết định đi thử ADN.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, tiến sĩ luật Mai Thế Bầy, nguyên kiểm sát viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng: “Có 2 tình huống pháp lý sẽ xảy ra.
Thứ nhất, tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể tại thời điểm xảy ra sự việc. Nếu là do nguyên nhân khách quan mà cán bộ y tế để xảy ra nhầm lẫn thì không thể xử lý hình sự.
Trong trường hợp này, chủ yếu là bồi thường về tinh thần, đơn vị đấy sẽ tổ chức xin lỗi công khai.
Chứ còn bồi thường về vật chất thì cũng rất khó, thiếu căn cứ pháp lý để vận dụng. Hiện nay theo quy định của pháp luật thì chưa có quy định cụ thể về trường hợp này. Luật hình sự cũng không có quy định nên không xử lý hình sự được.
Trường hợp thứ hai xảy ra, nếu làm rõ được việc giao nhầm cháu bé là do có động cơ, mục đích cá nhân thì mới có căn cứ pháp lý để xem xét xử lý hình sự”.
Cũng theo tiến sĩ luật Mai Thế Bầy: “Về mặt xử lý hành chính thì đơn vị nơi để xảy ra sự việc giao nhầm con - ở đây là bệnh viện phải tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật ê-kíp hoặc cá nhân để xảy ra nhầm lẫn. Việc kỷ luật mức độ như thế nào thì đó là tùy thuộc vào quy chế của ngành, quy định của cơ quan, đơn vị đó”.
Ông Bầy chia sẻ thêm: “Theo tôi, cũng nên xử lý kỷ luật nghiêm để giáo dục riêng và mang tính chất răn đe chung. Các cán bộ y tế khác nhìn vào đấy sẽ thấy trách nhiệm của mình cao hơn và làm tốt công việc của mình hơn. Ngoài ra, việc xử lý nghiêm cán bộ y tế cũng là để người dân cảm thấy yên tâm, tin tưởng hơn vào các cơ sở y tế”.