Liên quan đến vụ án mạng anh trai truy sát cả nhà em gái ở Thái Nguyên khiến 2 người tử vong, ngày 17/9, mạng xã hội xuất hiện 2 bức thư được cho là của nghi phạm Bùi Xuân Hồng viết về những khó khăn tài chính, bệnh tật, con học hành dở dang, vợ vất vả, những uất ức… Lá thư này được ông Hồng là viết trước ngày gây án, trong thư cũng nhắc đến số tiền 3 tỷ đồng mà gia đình cháu rể vay mượn không trả.
Qua trao đổi, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên xác nhận bức thư trên đúng là do chính đối tượng Hồng viết như một dạng nhật ký và được người nhà đăng tải.
Dư luận đặt ra câu hỏi, với bức thư tuyệt mệnh kể tội cô em gái và các cháu, thể hiện tinh thần bị kích động thì đối tượng Hồng có giảm nhẹ tội? Trước vụ việc này, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, động cơ phạm tội chỉ là một yếu tố để xem xét, tác động phần nào đến trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm chứ không quyết định đến mức hình phạt.
Theo đó, luật sư phân tích, với những nội dung trong nhật ký mà đối tượng Hồng viết thì hành vi của các nạn nhân trong vụ án này không phải là căn cứ để xác định người đàn ông này rơi vào “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định pháp luật để loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc giảm bớt một phần trách nhiệm hình sự.
Những sai phạm của người bị hại vẫn chỉ là vi phạm nghĩa vụ dân sự, là yếu tố có thể làm cho tinh thần của người đàn ông này bị kích động, chứ chưa thể xác định được đây là nguyên nhân tất yếu dẫn đến tinh thần bị “kích động mạnh”.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, với hành vi giết người của đối tượng Bùi Xuân Hồng thì đây là hành vi cố ý và mong muốn được thực hiện đến cùng.
“Với việc xuất hiện nhật ký do chính đối tượng Hồng viết thì đây cũng không phải tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ đối với nghi phạm, dù có hay không có nhật ký thì trong quá trình xử lý vụ án, cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm điều tra. Nội dung cuốn nhật ký sẽ là chứng cứ xác định nguyên nhân dẫn đến vụ việc, không phải là tình tiết để áp dụng giảm nhẹ”, luật sư Hùng nhấn mạnh.
Vẫn biết rằng, nợ tiền không trả, thậm chí lại có lời lẽ thách thức, vô trách nhiệm dễ gây bức xúc đến người cho vay. Tuy nhiên, pháp luật không cho phép hành vi “tự xử”, trả thù, xâm hại đến tình mạng, sức khỏe người khác để đòi nợ hoặc để trả thù.
Trong tình huống này, đối tượng Hồng hoàn toàn có quyền lựa chọn các hình thức đòi nợ hợp pháp, có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố cáo người vay nợ đến cơ quan công an nếu cho rằng người vay tiền đã có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng người đàn ông này đã không lựa chọn cách xử sự hợp pháp, không tuân thủ pháp luật về việc giải quyết tranh chấp dân sự mà lại tự ý thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng của nhiều người.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã đưa, khoảng 18h ngày 14/9, Bùi Xuân Hồng sang nhà em gái ruột là bà Bùi Thị H. (SN 1959, trú tại phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên) để tìm gặp anh Nguyễn Thành V. (con rể của bà H., SN 1981 trú tại phường Chùa Hang) để đòi nợ số tiền 3 tỷ đồng.
Khi đi, đối tượng Hồng mang theo 1 con dao nhọn loại dao bầu có cán gỗ, 1 con dao bấm, 1 khẩu súng bên trong có 3 viên đạn, 1 chai nhựa dung tích 1,5 lít đựng xăng.
Tại nhà bà H., Hồng đã gặp anh V. và xảy ra xô xát. Đối tượng đã dùng dao bấm đâm khiến V. ngã ra đất. Lúc này, có ông Nguyễn Văn Th. (SN 1954, chồng của bà H.) lao vào đẩy Hồng ngã xuống đất, bà H. cùng con gái là chị Nguyễn Thị Phương Th. (SN 1983) chạy đến giữ tay Hồng. Trong lúc vật lộn, Hồng đã rút được tay đang cầm dao ra và đâm tiếp vợ chồng bà H.
Sau đó hàng xóm đến can ngăn kéo Hồng ra ngoài, đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, vết thương quá nặng đã làm bà H. tử vong. Sáng 17/9, ông Th. cũng đã tử vong tại bệnh viện, anh V. đang được tiếp tục chữa trị.