Nhiều năm nay, việc đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi vẫn là bài toán khó với các cơ quan quản lý; đòi hỏi đội ngũ cốt cán ở các cơ sở phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu tình hình thực tế, tiếp thu kiến nghị của dân nhằm đưa ra những biện pháp hữu hiệu, phù hợp nhất cho địa phương mình. Muốn giảm thiểu tối đa xung đột phát sinh khi thu hồi đất để thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư cần nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân trong khu vực có đất thu hồi.
Thực tế chứng minh, đây là một trong những việc nói dễ hơn làm. Đã có không ít những câu chuyện bi hài xoay quanh các dự án thu hồi đất (đặc biệt là các dự án mang tính chất thỏa thuận) bị phát hiện, gây bức xúc trong dư luận.
Năm ngoái, do không đồng ý với nghị quyết tích tụ ruộng đất hai lúa cho doanh nghiệp thuê xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của chính quyền xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và tiếp tục canh tác trong vùng tích tụ, các hộ dân nơi đây đã một phen điêu đứng vì cán bộ xã chỉ đạo… không cung cấp nước cho dân sản xuất.
Một vụ việc khác mới xảy ra tại Thanh Hóa cũng gây bức xúc không kém, đó là trường hợp của bà Trần Thị Hạnh (SN 1952, trú tại thôn Văn Thắng, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Sau khi gia đình bà Hạnh không đồng ý nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, UBND xã đã xây mương mà không thực hiện cấp, thoát tiêu nước, khiến toàn bộ ruộng mạ của gia đình bà bị thối úng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam về nguyên nhân xây kênh mương theo kiểu "không lối thoát", ông Lê Đình Thọ, Chủ tịch UBND xã Đông Văn "thẳng thắn" nêu quan điểm: “Xã đã thông báo nếu không giao đất cho dự án, gia đình phải tự chịu trách nhiệm trong việc sản xuất, ngập úng cũng phải tự giải quyết”.
Vậy là, thay vì tìm cách giải quyết bất đồng khi thu hồi đất theo tiêu chí "thấu tình, đạt lí", người đứng đầu UBND xã Đông Văn lại buộc dân phải lựa chọn: Hoặc giao đất cho xã hoặc tự lo cho ruộng lúa ngập nước của mình.
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Cấp xã là gần dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi". Chính quyền cấp cơ sở phải trọng dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân. Chủ tịch UBND xã - trụ cột trong hoạt động điều hành ở cơ sở, càng không thể thoái thác bổn phận với nhân dân.
Nếu gần dân mà để dân tự lo thì người đứng đầu chính quyền cấp xã phải tự xem lại tư cách của mình.
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả