Ngày 20/3, phiên toà xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan, tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư cho các bị cáo.
Ngày hôm qua (19/3), đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, qua đó đề nghị 1 án tử hình, 4 án chung thân, hàng chục mức án giam có thời hạn và một số bị cáo được đề nghị án tù treo.
Cụ thể, đại diện VKS cho rằng, vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại đặc biệt lớn cho SCB, là một trong nhiều vụ trọng án kinh tế được các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, xử lý nghiêm.
Việc đưa vụ án Trương Mỹ Lan và cùng các đối tượng ra xét xử công khai thể hiện tinh thần xử lý tội phạm “không có vùng cấm”, nhằm răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Cũng trong phần luận tội, đại diện VKS nhận định, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tính toán lại thiệt hại, VKS xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã chi phối toàn bộ SCB, sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của Ngân hàng SCB.
Trong khoảng thời gian từ 1/1/2012 đến 17/10/2022, bị cáo Lan đã chiếm đoạt số tiền 677.286 tỷ đồng của SCB (trước đó cáo trạng xác định hơn 304.000 tỷ đồng).
Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi phạm tội, không hợp tác khai báo, không tỏ ra ăn năn hối hận, đổ lỗi cho cấp dưới và nhiều bị cáo khác tại Ngân hàng SCB.
Theo VKS, mặc dù bị cáo Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt, nhưng hành vi phạm tội của bị cáo tạo dư luận xấu trong xã hội và dư luận không tốt về kiểm soát, điều hành kinh tế, chính sách tiền tệ của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do đó, cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất đối với bị cáo Lan mới đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
Về mức án, VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội Tham ô tài sản; từ 19-20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; mức án 20 năm tù tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Lan bị đề nghị là tử hình.
Đối với 80 bị cáo còn lại trong vụ án (trừ 5 bị cáo đang bỏ trốn) đều là những người có trình độ, có nhận thức pháp luật, ý thức được hành vi nào của mình là vi phạm pháp luật.
Trong đó, các bị cáo ở Ngân hàng SCB là những người làm theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, tại cơ quan điều tra và tại tòa đã tỏ ra ăn năn, hợp tác với CQĐT để làm rõ bản chất của vụ án, tích cực khắc phục hậu quả. Các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần khi lượng hình.
Đối với nhiều bị cáo từng làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước, khi phát hiện sai phạm tại SCB đã có kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý nhưng không có quyền quyết định, không bảo lưu được quyết định của mình, VKS cũng đề nghị xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.
Đối với Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, VKS nhận định vì mục đích vụ lợi cá nhân, bị cáo Nhàn đã 4 lần nhận của bị cáo Trương Mỹ Lan tổng số tiền 5,2 triệu USD thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB, để bao che, bưng bít sai phạm tại SCB. Nhờ vậy, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
VKS đề nghị HĐXX cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm minh, cách ly bị cáo này ra khỏi đời sống xã hội để răn đe, đồng thời cảnh tỉnh đối với các cán bộ, công chức đang giữ chức vụ trong các tổ chức xã hội.
Đối với 5 bị cáo đang bỏ trốn, cơ quan chức năng đã kêu gọi đầu thú nhưng các bị cáo từ bỏ quyền lợi của mình nên cần thiết áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo này.
Là người bào chữa đầu tiên cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Phan Trung Hoài băn khoăn về số tiền thiệt hại của vụ án, số tiền này có phải là thiệt hại hay là dư nợ tín dụng tại SCB.
Luật sư Hoài cũng trình bày về nhân thân của bị cáo, hoàn cảnh gia đình, quá trình hình thành nên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và tình hình kinh doanh của gia đình bị cáo Lan.
Qua đó, luật sư Hoài cho rằng, hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát chỉ bao gồm một số công ty nhất định nên đề nghị HĐXX xem xét việc cáo trạng cáo buộc hệ sinh thái này có hàng ngàn công ty.
Bên cạnh đó, luật sư đề nghị xem xét lại việc bị cáo Lan tham gia tái cơ cấu SCB trong thời điểm cần phải hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém, khi tham gia bị cáo có vai trò là cố vấn ban hợp nhất.
Trong suốt 10 năm tái cơ cấu SCB, trải qua nhiều gia đoạn và cũng đạt được một số kết quả nhất định, có những khoản vay là để trả nợ cũ và dòng tiền không ra khỏi ngân hàng.
Luật sư đề nghị ghi nhận có sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo, xem xét lại về việc xác định sở hữu của bị cáo Lan tại Ngân hàng SCB, vì theo luật sư Hoài, nếu SCB được xác định có thiệt hại thì chính bị cáo cũng là người bị thiệt.
Ngoài luật sư Hoài, bị cáo Trương Mỹ Lan còn có 4 luật sư khác tham gia bào chữa. Sáng nay (20/3), các luật sư còn lại tiếp tục trình bày phần bào chữa cho bị cáo Lan.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.