Những tài khoản trăm tỷ
Ngày 4/1, HĐXX đại án Việt Á tiếp tục phần xét hỏi đối với các cá nhân và tổ chức có quyền và nghĩa vụ trong đại án Việt Á.
Trong đó nội dung đáng chú ý là HĐXX tập trung vào những sổ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng của bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á).
Theo HĐXX, hiện Việt có 3 tài khoản và 5 sổ tiết kiệm bị phong toả. Ngoài ra, còn 52 sổ tiết kiệm trị giá 142 tỷ đồng do mẹ bị cáo này đứng tên, cùng 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 tỷ đồng do con bị cáo (14 tuổi) đứng tên.
Hiện các tài sản bị kê biên, phong toả để phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả. Trả lời về vấn đề này, Việt cho biết, bản thân sẽ khắc phục bằng tất cả những tài sản mà mình đứng tên.
Riêng tài khoản mà mẹ bị cáo đứng tên là tiền Việt trả nợ cho mẹ trong suốt quá trình dài gây dựng công ty. Tài sản này thuộc về mẹ của bị cáo.
HĐXX đưa ra câu hỏi: Bị cáo có thể chứng minh đó là tiền trả nợ hay không? Có giấy tờ vay mượn gì không?
Đáp lại, bị cáo nói không có giấy tờ gì.
HĐXX hỏi tiếp: Đó là số tiền lớn, bị cáo nghĩ mẹ lấy đâu ra mà cho bị cáo vay nhiều như vậy?
Việt trả lời, bị cáo không rõ, có thể mẹ vay mượn thêm người thân, bạn bè. Và cũng không có giấy tờ gì.
HĐXX cho rằng điều này là vô lý, vì “bố con còn chưa tin được nhau”, vay mượn người ngoài mà không có giấy tờ thì khó thuyết phục.
Tại tòa, Hồ Thị Thanh Thuỷ (vợ Phan Quốc Việt) cho hay, từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc đã tự nghiên cứu về test xét nghiệm. Tháng 1/2020, khi Việt nói về việc được phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu, sản xuất thì bản thân có biết nhưng không trực tiếp làm việc. “Tất cả đều trao đổi thông qua điện thoại với chồng của tôi”, Thuỷ nói.
Về vấn đề khắc phục hậu quả, Thuỷ cho biết, sau khi Việt bị bắt đã uỷ quyền cho vợ điều hành Công ty Cổ phần Việt Á. Với trách nhiệm thì bản thân và công ty sẽ cố gắng khắc phục trên tinh thần “hết sức có thể”.
Tiếp đó, con trai của bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Hải Dương) cho biết, gia đình đã khắc phục hoàn toàn hậu quả nên xin toà bỏ hạn chế giao dịch tài khoản 300 triệu đồng cùng 1 bất động sản; vợ bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) cũng xin gỡ bỏ phong tỏa căn hộ tại Hoàng Hoa Thám và 1 bất động sản tại huyện Quốc Oai; vợ bị cáo Chu Ngọc Anh cũng xin gỡ bỏ phong tỏa bất động sản đang bị kê biên….
Ngoài ra, đại diện CDC, sở y tế các tỉnh liên quan đều bày tỏ mong muốn thu hồi tài sản thất thoát trong vụ án, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo vì thành tích trong chống dịch.
Luôn mang theo người tới 350.000 USD để cảm ơn
Trả lời HĐXX, Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Việt Á) khai nhận, ở vị trí trợ lý, Hiệp có nhiệm vụ ký kết các hợp đồng, giấy tờ của công ty; đứng tên một số công ty con do Việt thành lập. Khi lên làm Phó Tổng Giám đốc, Hiệp được giao quản lý mảng kinh doanh phía Bắc của công ty.
Cuối năm 2020, Hiệp được giao thêm nhiệm vụ ký kết các hợp đồng mua bán của công ty với tư cách là phó tổng giám đốc. Bị cáo cũng là người trực tiếp tham gia vào các vấn đề đấu thầu và chi phần trăm hoa hồng cho các địa phương.
Theo lời khai của Hiệp, có 2 phương thức giao dịch giữa Việt Á và các địa phương: Địa phương mượn kit trước rồi làm hợp đồng thanh toán sau hoặc mua trực tiếp rồi đến lấy. Thanh toán xong theo quy chế, Việt Á sẽ trích phần trăm hoa hồng cho cán bộ chống dịch vất vả.
Để sẵn sàng chi hoa hồng, Hiệp luôn mang theo người 50.000-350.000 USD.
Hiệp thừa nhận cáo buộc của VKS về vi phạm quy định về đấu thầu ở hơn 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng số tiền vi phạm hơn 325 tỷ đồng. Trong đó, bản thân cũng thừa nhận đã đưa hối lộ ở 4 địa phương với tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng.