Ngoài việc "ăn bớt" độ dày của ống dẫn nước sông Đà, kết luận Giám định, nêu rõ: Nguyên nhân gây nên sự cố vỡ ống là do sự kết hợp bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt tuyến ống.
Trong đó, nguyên nhân chính là chất lượng ống được sản xuất không đồng đều (mặt cắt ngang của thành ống có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa), các mẫu ống thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu.
Trong quá trình truyền tải nước, do áp lực nước thẩm thấu vào các lớp của thành ống thông qua các điểm xung yếu và các vết rạn nứt theo thời gian dẫn đến việc ống bị vỡ. Ngoài ra, việc thi công xây dựng khai thác tuyến đại lộ Thăng Long và việc gia tăng tải trọng tại các đường ngang đường dân sinh trên tuyến ống đã có thể có những tác động bất lợi lên tuyến ống.
Do chất lượng ống được sản xuất không đồng đều và thiếu các số liệu thử nghiệm độ bền thủy tĩnh dài hạn nên không đủ cơ sở để khẳng định độ bền lâu của tuyến ống đạt được 50 năm.
Một công trình có ý nghĩa quan trọng được đầu tư lớn tuy nhiên việc thể hiện giám sát thi công lại không được đánh giá chất lượng đường ống. "Các loại vật liệu cát, bê tông, gạch xây phục vụ công tác thi công, lắp đặt tuyến ống đã được chủ đầu tư và các nhà thầu kiểm soát chất lượng theo quy định. Riêng với ống cốt sợi thủy tinh, không có các ghi nhận thể hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng ống trước khi lắp đặt trong các biên bản hiện trường", kết luận giám định nêu rõ.
Điều đáng nói, mặc dù Ban quản lý biết được sự cố nhưng thiếu trách nhiệm không khắc phục mà vẫn cố "nhắm mắt đưa chân". Các biên bản xử lý kỹ thuật tại hiện trường trong quá trình thi công cho thấy có 40 ống có khuyết tật cần được thay thế hoặc sửa chữa.
Ngoài ra, trong quá trình thi công, Ban quản lý dự án đã lấy một đoạn ống có mã số là 16.3.2005/1600.6.5000.01/01 để kiểm tra đối ứng; kết quả được xác nhận tại văn bản số 0476/BNSĐ-KTKH ngày 18-4-2007 của BQLDA “chiều dày một số lớp kết cấu ống không đảm bảo yêu cầu thiết kế, độ cứng của ống không đạt yêu cầu SN5000, độ bền kéo hướng trục không đạt yêu cầu”. Tuy nhiên trên biên bản, hồ sơ lưu trữ không ghi nhận được việc Ban quản lý dự án và nhà thầu giám sát đã kiểm soát như thế nào việc khắc phục các vấn đề trên.
Theo yêu cầu kỹ thuật, sau khi hoàn thành lắp đặt ống thì tuyến ống phải được thử áp lực thủy tĩnh cho từng đoạn dài khoảng 1000m và tối đa không quá 3000m. Việc thử áp lực thủy tĩnh cho tuyến ống từ nhà máy đến bể chứa trung gian và 7 đoạn từ bể chứa trung gian đến đường vành đai III-Hà Nội đã được thực hiện phù hợp với yêu cầu trên.
Tuy nhiên, do nhu cầu nước của người dân tăng cao và bảo đảm cấp nước cho TP Hà Nội nên ngày 1/8/2008 chủ đầu tư và các nhà thầu đã thực hiện việc xúc xả, khử trùng tuyến ống để tiến hành cấp nước. Vì vậy việc thử áp lực tiếp theo được thực hiện cho cả tuyến ống dài 34,586km từ bể chứa trung gian đến đường vành đai III-Hà Nội.
Kết luận giám định còn nhấn mạnh về việc trong quá trình thi công, Ban quản lý dự án, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công xây dựng chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt; khi phát hiện có sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng đã không thực hiện việc kiểm tra lại chất lượng sản phẩm của lô ống tương ứng theo quy định, chưa kiểm soát chặt chẽ việc khắc phục các đoạn ống bị khuyết tật trong quá trình thi công.
Điều này khiến dư luận nghi vấn đặt câu hỏi, phải chăng có sự bắt tay giữa các đơn vị từ khâu sản xuất đường ống đến quá trình thi công dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo nhưng vẫn được châm chước, bỏ qua?!
Xem thêm:
Vụ án tại Vinaconex: Nguyên nhân chính gây vỡ đường ống nước sông Đà
Nhóm phóng viên xã hội