Ngày 18/9, Cơ quan An ninh điều tra (bộ Công an) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại cục Quản lý Dược (bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Được biết, việc sai phạm này liên quan trong vấn đề thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác công ty Helix Canada và nhãn mác công ty Health 2000 Canada.
Bộ Công an khởi tố vụ án này là quá trình tiếp tục điều tra mở rộng vụ “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại công ty VN Pharma.
Vụ án “VN Pharma” có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong lĩnh vực dược phẩm, liên quan trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Bởi vậy, khi Cơ quan An ninh điều tra (bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại cục Quản lý Dược (bộ Y tế) và các đơn vị có liên quan, dư luận lại tiếp tục xôn xao.
Vậy, căn cứ nào để khởi tố một vụ án hình sự và những bước tiếp theo sẽ như thế nào? Dư luận đang mong chờ các sai phạm liên quan tiếp tục bị đưa ra ánh sáng.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp trong lực lượng công an phân tích: “Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, khi xác định có dấu hiệu của tội phạm trong một sự việc thì cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình sẽ phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự”.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Như vậy, ở đây, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại cục Quản lý Dược và các đơn vị liên quan, tức là đã xác định vụ việc buôn bán thuốc giả có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Khởi tố được hiểu là bắt đầu quá trình tố tụng. Sau khi khởi tố vụ án thì cơ quan tố tụng sẽ tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của luật để xác định người thực hiện hành vi phạm tội.
Khi đủ căn cứ xác định người có hành vi phạm tội thì sẽ khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết đối với bị can đó, để ngăn chặn tội phạm và ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật của bị can đó”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nhìn nhận: “Việc thẩm định, cấp phép, cho thông quan nhập khẩu trong vụ “thuốc ung thư giả”, về mặt tổ chức thì là cục Quản lý Dược, nhưng về mặt cá nhân lại là những người được giao nhiệm vụ trong cục Quản lý Dược.
Những cán bộ đó phải có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để đảm bảo cho việc thẩm định, sản xuất, đưa vào sử dụng, mua bán, nhập khẩu các loại thuốc chữa bệnh…
Căn cứ vào các quy định về chức trách nhiệm vụ của từng cá nhân, nếu cá nhân nào không thực hiện đúng quy định thì ít nhất cũng là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi vì sức khỏe, tính mạng của con người là đáng quý nhất, thế mà họ lại thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, cứ cho là các cá nhân do cẩu thả, quá tự tin thì vẫn phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp thứ hai, trong quá trình điều tra, nếu như cơ quan điều tra chứng minh được những cá nhân đó không phải vô ý mà là cố ý vì động cơ cá nhân hoặc vì vụ lợi (có thể hiểu là tham nhũng, ví dụ nhận hối lộ để thông qua) thì tội còn nặng hơn. Lúc đó, cơ quan điều tra sẽ chuyển tội danh, thay đổi quyết định khởi tố bị can, xử lý theo đúng tính chất mức độ của hành vi phạm tội”.