Ngày 10/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 229 - BLHS năm 1999 đối với các bị cáo trong vụ làm vỡ đường ống nước Sông Đà.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận, đại diện của Tổng công ty Vinaconex đề nghị HĐXX xem xét vụ án một cách khách quan, nhìn nhận đúng hoàn cảnh của dự án, việc áp dụng công nghệ mới vào dự án với mong mỏi người dân Hà Nội được có nước.
Liên quan tới các kết luận giám định, luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Thanh Hải (SN 1960), nguyên Trưởng phòng sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên PGĐ Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex cho rằng: Căn cứ vào điều 214 BLTTHS trong thời hạn 7 ngày nhận kết luận giám định, cơ quan điều tra phải cung cấp kết luận giám định cho các bị can. Nhưng từ ngày điều tra đến truy tố, cơ quan tố tụng đã cung cấp những kết luận giám định đó cho các bị can và những người tham gia tố tụng hay chưa?
“Trong giám định có nói không thiết kế độ bền của ống, việc áp dụng tiêu chuẩn sản xuất ra ống thuộc trách nhiệm của ai? (đơn vị cung cấp ống, chủ thầu hay của ban thiết kế)”, luật sư đặt câu hỏi.
Tiếp tục một câu hỏi khác của luật sư bào chữa cho bị cáo Hải trong phần đối đáp: “Quá trình đề bạt, phân công nhiệm vụ của bị cáo. Bị cáo chỉ làm công việc tổ chức sản xuất, năm 2006 sang phụ trách phòng kinh doanh. Vậy thời gian xảy ra vụ án quy trách nhiệm của thân chủ tôi là đúng hay sai? Trong số các biên bản thân chủ tôi bị quy kết ký, nhưng ai là người ký biên bản bàn giao, có phải bị cáo Hải hay không?”
Đối đáp lại quan điểm của các luật sư: VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Bởi hành vi của các bị cáo đã gây ra hậu quả vỡ đường ống nước. Phía nguyên đơn dân sự không đòi bồi thường nhưng đó là do phía nguyên đơn dân sự hoàn toàn tự nguyện. Như vậy, VKS cho rằng hành vi của các bị cáo đã vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Về nguyên nhân vỡ đường ống, VKS cho rằng cơ quan giám định đã nêu rõ do chất lượng ống không đảm bảo. Vật liệu ống áp dụng công nghệ mới ở Việt Nam còn nhiều rủi ro như các luật sư nêu, VKS căn cứ vào việc Bộ KH&CN đã có văn bản nêu rõ ống composite cốt sợi thủy tinh không nằm trong danh mục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Qua đó cho thấy cáo trạng truy tố các bị cáo là đủ căn cứ. Vì vậy, hành vi của các bị cáo không được áp dụng điều 25 BLHS: “Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật thì không phải là tội phạm”.
Qua quá trình tranh luận tại tòa, HĐXX xét thấy việc tranh luận, đối đáp đã rõ nên tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chuyển sang nghị án. Trước khi nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Đầu tiên là bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên GĐ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội): Bị cáo Trung nói: “Gửi lời cảm ơn đến HĐXX, VKS, các luật sư đã tận tâm tìm hiểu hồ sơ vụ án. Cách đây 9 năm, đầu năm 2009, dự án hoàn thành và vận hành khai thác, khi đó chúng tôi chưa hình dung được sau 9 năm, chúng tôi lại đứng trước tòa. Trong bản giám định có những nội dung không chính xác đã đưa chúng tôi phải vướng vòng lao lý. Tôi cho rằng bản giám định đã chưa tìm được nguyên nhân chính xác vỡ ống.
Từ khi đi làm, tôi đã làm việc trong ngành xây dựng 36 năm, trước khi tham gia dự án, đã có kinh nghiệm làm các dự án trước và rất tâm đắc với dự án đường ống nước sông Đà. Trong quá trình thực hiện công việc, luôn tuân thủ theo đúng điều lệnh, tuân thủ theo pháp luật. Với lý do khách quan của dự án, mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh và nhân thân của bị cáo”.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên PGĐ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội): “Chúng tôi là những người đồng nghiệp, cùng làm với nhau nhiều dự án khác. Chúng tôi thấy rất buồn khi tạo ra dư luận xấu trong nhân dân. Đã phải mất nhiều thời gian để điều tra vụ án, nhưng đến nay vẫn không hiểu rõ mình đã phạm tội gì, phạm tội như thế nào. Cơ quan giám định chưa làm rõ tận cùng. Mong HĐXX xem xét những ý kiến mà tôi nói trong phiên tòa này.
Ở góc nhìn khác khi áp dụng KH&CN mới, chuyện gặp rủi ro là bình thường nhưng cần nhận diện một cách chính xác để cảnh báo cho những người đi sau không vướng phải sai lầm. Trở lại vụ án này, nếu chỉ dừng lại ở đây mà không điều tra tiếp thì nguyên nhân vỡ ống sẽ không bao giờ được làm rõ, những bị cáo ở đây sẽ không biết nói thêm gì và điều này sẽ đeo bám chúng tôi suốt cả cuộc đời.
Năm 2003 – 2004 khi bắt đầu dự án, Tổng công ty có rất nhiều khó khăn khi có nhiều dự án lớn với nhiều việc phải giải quyết. Ở vai trò của những người trong HĐQT, nếu không quyết sẽ không bao giờ có dự án này. Dự án áp dụng công nghệ mới, sai sót khó có thể tránh khỏi, mong HĐXX xem xét đánh giá những sai sót đó có vi phạm pháp luật không khi hiện nay dự án đang mang lại hiệu quả”.
Bị cáo Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng Phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội): “Đây là nỗi chua xót trong cuộc đời tôi. Nói về bản thân, bị cáo có nhân thân tốt, là người có tri thức, được đào tạo bài bản, có nhiệt huyết. Từng làm sĩ quan chỉ huy trong quân đội, bom đạn không làm cho tôi gục ngã. Trong quá trình phấn đấu, điểm sáng trong cuộc đời tôi là được tham gia vào dự án sông Đà.
Bom đạn không động được đến mình mà nay mình lại gục ngã trước lý do không biết nguyên nhân buộc tội mình là gì. Về dự án, chúng tôi luôn tìm hiểu các sự cố đó là những cái gì, nguyên nhân tại sao, và cần tìm ra biện pháp để đường ống được vận hành hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, bị cáo e rằng những lời trình bày của mình chưa được quan tâm một cách thấu đáo. Mong HĐXX hãy cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng để các bị cáo không bị tách ra khỏi xã hội”.
Lần lượt các bị cáo khác cũng tha thiết mong HĐXX xem xét, lắng nghe ý kiến của các luật sư trong việc áp dụng điều luật mới để kết luận được một bản án công bằng, khách quan cũng như mong HĐXX xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, nghiên cứu lại kết luận giám định để cho ra bản án công bằng cho các bị cáo.
HĐXX tuyên bố tạm nghỉ phiên tòa, 14 giờ ngày 13/3, HĐXX sẽ ra tuyên án.