Ngày 13/9, đường ống dẫn nước thủy điện sông Bung 2 (thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) bất ngờ bị vỡ sau 19 ngày nghiệm thu. Hậu quả, 28 triệu khối nước đổ xuống hạ lưu, cuốn theo 18 công nhân đang thi công, gây ngập lụt trên diện rộng. Đến thời điểm hiện tại, vẫn có hai người bị mất tích.
Được biết, nguyên nhân sự cố được cho là do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 11/9. Nước lũ chảy mạnh làm bục van cửa số 2 hầm dẫn dòng thi công. Khi xảy ra sự cố trên, dư luận đặt ra không ít câu hỏi, đặc biệt là nghi vấn về chất lượng công trình.
Như đã phản ánh trên báo Người Đưa Tin, PV đã trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ông cho rằng: “Để xảy ra sự cố vỡ van số 2 đường ống dẫn dòng đập thủy điện, tức là công trình không đảm bảo chất lượng, chức năng có vấn đề".
Phân tích thêm về sự cố vỡ van đường ống dẫn nước, ông Hùng khẳng định: “Đối với các công trình như đập thủy điện, đòi hỏi hệ số an toàn rất cao. Quá trình thi công tính toán kỹ lưỡng, chuẩn chỉnh 100% từng chi tiết.
Việc đường ống dẫn nước bị vỡ thể hiện chức năng và chất lượng không tốt mới xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy. Nguyên nhân có thể do thiết kế hoặc thi công không đảm bảo, bê tông chưa đủ độ cứng... Theo tôi, không thể đổ hết lỗi cho thiên tai được, họ phải có trách nhiệm lớn”.
Nếu kết quả kiểm tra chất lượng công trình thực sự có vấn đề thì trách nhiệm pháp luật phải được đặt ra.
Trao đổi với PV, luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Để xảy ra sự cố trên, trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công phải được làm rõ. Cần phải kiểm tra, thẩm định chất lượng công trình để tìm hiểu chính xác nguyên nhân và không thể chỉ đổ lỗi cho thiên tai.
Với sự việc nghiêm trọng này, hậu quả đã xảy ra làm ngập úng nhiều nơi, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, đặc biệt khi ống nước vỡ đã cuốn trôi nhiều người, đến nay vẫn còn hai người chưa tìm thấy.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra chất lượng công trình, nếu có dấu hiệu vi phạm, hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 229 BLHS)”.
Luật sư Quang cũng lưu ý thêm: “Tuy nhiên, cần phải điều tra, xác minh rõ lỗi của các bên, từ đó làm cơ sở truy cứu TNHS. Chủ đầu tư cũng như đơn vị thiết kế, thi công phải liên đới chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Theo đó, tùy mức độ nghiêm trọng mà người vi pham có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện sau khi có thống kê hậu quả, thiệt hại xảy ra theo quy định của Bộ luật Dân sự”.
Dương Nhung