Ngày 6/3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 229 - BLHS năm 1999 đối với 9 bị cáo trong vụ làm vỡ đường ống nước Sông Đà.
Theo truy tố, ngày 31/3/2009, dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác; trong quá trình vận hành, khai thác từ ngày 04/02/2012 đến ngày 02/10/2016, tuyến ống truyền tải nước sạch này đã 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp khai thác là công ty CP nước sạch Vinaconex. Công ty này đã phải chi phí hơn 16 tỷ đồng để khắc phục.
Bên cạnh đó, việc liên tục vỡ tuyến ống đã gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, với lượng nước ngừng cấp là 1.744.904 m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn TP.Hà Nội, được dư luận xã hội và phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm.
Cơ quan CSĐT bộ Công an đã trưng cầu bộ Xây dựng giám định: Kết luận giám định ngày 15/4/2015 và Kết luận giám định bổ sung số 107/BXD-GĐ ngày 30/9/2016 của cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng kết luận nguyên nhân tuyến ống bị vỡ là do "sự bất lợi của một số yếu tố trong giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt tuyến ống. Trong đó, nguyên nhân chính là chất lượng ống được sản xuất không đồng đều (mặt cắt ngang của thành ống có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa), các mẫu ống được thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu” và “nếu ống sản xuất có chiều dày, các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và quá trình sản xuất, thí nghiệm, kiểm tra, vận chuyển, thi công lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, thử nghiệm, vận hành và khai thác sử dụng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu của thiết kế và các quy định có liên quan thì không thể gây ra sự cố vỡ đường ống".
Tại phiên tòa hôm qua, một số bị cáo cũng cho rằng không đồng tình với bản kết luận giám định và đề nghị được giám định lại.
Liên quan đến vấn đề này, trong ngày làm việc thứ hai, HĐXX đặt câu hỏi với các đoàn giám định. Giám định viên thuộc đoàn giám định tư pháp cho biết, đoàn giám định đã tiến hành khảo sát tại nhiều vị trí, trong đó có những vị trí đường ống đang vận hành và đường ống xảy ra sự cố, có những vị trí nằm trên nền đất yếu. Đoàn giám định đã lấy mẫu và tiến hành thử nghiệm chất lượng vật liệu ống, cũng như xem xét đến các yếu tố bất lợi như việc gia tăng tải trọng đường ngang, đường dân sinh,…
“Về căn cứ để thực hiện việc giám định tư pháp, chúng tôi thực hiện theo đúng nguyên tắc giám định. Trong quá trình thực hiện giám định, đoàn giám định cũng dựa trên tài liệu cơ quan điều tra (CQĐT) cung cấp và các chứng cứ thí nghiệm tại hiện trường, cùng với các căn cứ về pháp luật có liên quan”, giám định viên nói.
Tiếp đến, đại diện tổ chức giám định của bộ Xây dựng cho biết, việc giám định được khảo sát ngẫu nhiên 14 vị trí đang vận hành khai thác và giám định cả những ống đã vỡ và ống lưu của công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico) - công ty con của Vinaconex có nhiệm vụ sản xuất ống cho dự án.
Trả lời một câu hỏi khác liên quan đến việc đoàn giám định có giám định quá trình sản xuất tại Viglafico hay không, vị giám định viên của bộ Xây dựng nói không giám định quy trình sản xuất ống vì nhà máy đã dừng sản xuất, nhưng đoàn có giám định những ống dự phòng lưu tại nhà máy. Trong quá trình giám định, đoàn có kiểm tra chất lượng của quá trình thi công lắp đặt ống thông qua quá trình kiểm tra hồ sơ lưu trữ.