Theo thông tin tìm hiểu của PV, những người cho bà Hoàng Thị Kh. (57 tuổi, thôn Phấn Động, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vay tiền để… buôn gỗ, đều là phụ nữ.
Sau khi bà Kh. tuyên bố vỡ nợ, nhiều người không khỏi bất ngờ vì có người cho bà Kh. vay tới tiền tỷ, thậm chí có người cắm sổ đỏ lấy tiền cho bà Kh. vay.
Trong sự việc này, cũng không ít người đặt ra câu hỏi, bà Kh. là người như thế nào mà lấy được lòng tin của nhiều người đến thế và có thể huy động được 1 số tiền rất lớn.
Theo người dân địa phương, ở địa phương bà Hoàng Thị Kh. là người hiền lành, chân chất. Chính vì thế mặc dù đi xe đạp cũ chỉ đáng giá 100 nghìn đồng, đội chiếc nón lá cũ nhưng nhiều người dân tin tưởng cho vay cả tỷ đồng.
Bà Trần Thị S. (53 tuổi, ở xã Tam Đa) – người cho bà Kh. vay số tiền 650 triệu đồng vô cùng bất ngờ và không biết sẽ ra sao vì toàn bộ vốn liếng vợ chồng bà tích cóp bấy lâu nay, cùng số tiền vay của con gái, con rể để chuẩn bị dồn tiền để xây nhà đều cho bà Kh. vay nhưng nay người phụ nữ này đã vỡ nợ.
“Trước đây tôi từng cho chị Kh. vay nhưng chỉ vay mấy chục triệu thôi, lãi suất 20%, cứ đến tháng chị ấy trả. Nếu cần tiền gốc chị ấy sẽ trả luôn nên dần dần tôi rất tin tưởng. Cách đây 1 năm tôi cho chị ấy vay 650 triệu đồng trong đó có cả tiền vốn của vợ chồng con gái. Hàng tháng chị ấy vẫn trả lãi suất đầy đủ. Thế nhưng đợt vừa rồi chị ấy tuyên bố vỡ nợ khiến tôi vô cùng bất ngờ”, bà S. chia sẻ.
Theo bà S., bà Kh. nói vay tiền để hùn vốn kinh doanh gỗ với một người phụ nữ khác. “Khi tôi hỏi thì chị ấy hứa hẹn bảo, tiền chị cho người khác vay nhưng họ bảo buôn gỗ mất hết và chưa lấy được gỗ ra, từ giờ tới tháng 12 âm lịch, họ lấy gỗ ra rồi chị sẽ trả tiền cho tôi nhưng giờ không có hy vọng.
Giờ tôi mới biết, chị ấy nợ nhiều quá, gia tài cũng không có gì để trả nợ. Nghe thông tin chị Kh. như thế, tôi rụng rời chân tay, tôi khóc mấy ngày trời, không ăn uống được gì, đêm cũng không ngủ được”, bà S. nói thêm.
Cũng theo bà S., thời gian đầu khi bà Kh. vay tiền, bà S. cũng lăn tăn, suy nghĩ và chỉ cho vay vài ba chục triệu đồng, nhưng sau vì bà Kh. trả lãi và gốc sòng phẳng nên niềm tin được củng cố bà S. đã cho bà Kh. vay 650 triệu đồng trong 2 lần (1 lần 450 triệu đồng, 1 lần 200 triệu đồng) và có giấy vay nợ viết tay.
Cũng là người cho bà Kh. vay tiền, chị Nguyễn Thị B. cho biết, vợ chồng chị tích cóp bao năm qua được 500 triệu đồng cho bà Kh. vay. Từ trước tới nay, ở địa phương vợ chồng bà Kh. là người hiền lành, tử tế nên ai ai trong vùng cũng yêu quý.
“Tôi cho bà Kh. vay số tiền trên nhưng cũng không đòi hỏi lãi lời gì. Bà ấy bảo khi nào tôi cần sẽ trả. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau nên vợ chồng tôi cũng đồng ý. Hôm nghe tin bà ấy tuyên bố vỡ nợ tôi cũng bất ngờ lắm. Tôi có sang hỏi chứ cũng không đòi thì bà Kh. hứa sau có sẽ trả gia đình tôi”, chị B. nói.
Bà B. cho rằng, có lẽ vì hùn vốn làm ăn nên vợ chồng bà Kh. mới xảy ra cơ sự này bởi ở địa phương ông bà đều rất tốt tính. “Tôi cũng động viên bảo rằng số tiền đó đối với vợ chồng tôi là lớn nhưng không đòi luôn bà ấy. Tôi nói khi nào có trả cho gia đình tôi trước một nửa, số tiền còn lại nếu không trả được, sau này khi nào có trả vợ chồng tôi cũng được. Dù khó khăn là thế nhưng tôi rất trân trọng cái tình, cái nghĩa”, bà B. chia sẻ.
Theo người dân địa phương, bà Kh. trước đây làm nghề buôn thịt lợn, còn ông Tr. (chồng bà Kh.) làm nghề chăn nuôi lợn ở nhà.
“Bà ấy không biết đi xe máy, cứ đạp xe đạp, đội chiếc nón thâm rách đi thôi, cũng không xinh xắn gì nhưng chân chất. Chính vì hay vay tiền huy động vốn rồi khi ai đó cần lại trả ngay nên nhiều người tin tưởng, không ngần ngại lôi toàn bộ tài sản trong nhà cho bà ấy vay”, một người hàng xóm chia sẻ.
Là người cho bà Kh. vay hơn 3,1 tỷ đồng, những ngày này, bà Hoàng Thị Th. (SN 1978) cũng sống trong tâm trạng mất ăn mất ngủ.
Theo lời kể của bà Th., số tiền trên là do anh chị em của bà góp lại để mua đất, thậm chí vay cả của người ngoài.
Thời gian bà Th. cho bà Kh. vay là ngày 5/7 với giao ước 5 ngày sau trả tiền nhưng bà Kh. đã khất hết lần này tới lần khác và tới bây giờ là vỡ nợ.
“Giờ tôi có bán nhà cũng chẳng ai mua vì cả làng không có tiền”, bà Th. cho hay.
Như báo Người Đưa Tin đã đưa, ngày 23/8, cơ quan Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vẫn đang điều tra, làm rõ vụ huy động vốn dẫn đến vỡ nợ vài chục tỷ, thậm chí lên đến hơn 100 tỷ đồng khiến 1 người tự tử.
Trước đó, ngày 4/8, bà Hoàng Thị Kh. tuyên bố vỡ nợ, mất khả năng thanh toán. Theo đó, có một số đối tượng từ nơi khác đến nhà bà Kh. đòi tiền, gây sức ép.
Trước sức ép của người đến đòi nợ, ông Hoàng Khắc Tr. (chồng của bà Kh.) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Mặc dù được gia đình phát hiện, đưa đi cấp cứu, nhưng đến sáng 22/8, ông Tr. đã tử vong.
Nguyễn Huệ